Với việc siết chặt bằng quy định này, thời gian tới, hy vọng những câu chuyện đau lòng trong xử lý cán bộ chủ chốt không thể tái diễn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Điểm đáng chú ý là lần này, theo quy định, cán bộ được bổ nhiệm phải có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng. Đồng thời không quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ bị kỷ luật.

bonhiemcanbopdys_gnea.jpgẢnh minh họa: KT

Quy định nêu rõ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu.

Những vấn đề về công tác cán bộ và cán bộ phải do tập thể cấp ủy và tổ chức đảng có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Huy Cương, giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, với cơ chế của Việt Nam hiện nay, không có gì người đứng đầu không biết, chỉ là họ không muốn biết hay lờ đi.

Vì vậy vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, người đứng đầu phải bị xử lý trách nhiệm nếu phát hiện tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế khen thưởng người đứng đầu nếu thực hiện nghiêm công tác cán bộ và phát hiện tham nhũng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Huy Cương

Theo quy định, thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó ở cơ quan, đơn vị; việc bổ nhiệm giữ chức vụ dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng. Thời hạn giữ chức vụ bầu cử căn cứ vào nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đó.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng, người được bổ nhiệm phải bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền; không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh.

Ông Nguyễn Kỳ, nguyên cán bộ Ban Kinh tế Trung ương đề nghị việc kê khai tài sản phải được công khai cho cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát.

“Việc kê khai phải có sự giám sát của quần chúng. Tính trung thực của đảng viên là rất quan trọng và không thể xem nhẹ, dễ dẫn đến tư tưởng “nhạt Đảng, khô Đoàn”. Hình thức kỷ luật, chế tài nặng là cần thiết nhưng cần phải cương quyết”, ông Kỳ nêu quan điểm.

Ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ

Theo ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn một nhiệm kỳ, trường hợp đặc biệt phải được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Cán bộ được bổ nhiệm phải có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Người bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật.

“Công tác cán bộ là hết sức quan trọng, chúng ta đã có những quy định cụ thể liên quan đến công tác cán bộ từ quy hoạch, đào tạo, cả quy trình xem xét bổ nhiệm hết sức chặt chẽ, cho nên việc thực hiện quy trình đó được đảm bảo công khai dân chủ thì sẽ đạt được kết quả tốt. Trong quá trình đang bị kỷ luật, trong 1 năm không bổ nhiệm ở cương vị cao hơn là phù hợp. Bất kỳ cương vị nào kể cả công chức, viên chức phải có sức khỏe tốt, đặc biệt cán bộ lãnh đạo lại càng cần có thể lực tốt. Việc quy định đảm bảo đủ sức khỏe là cần thiết”, ông Hà phân tích thêm.

Với quy định đảng viên bị kỷ luật, cách chức trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn sẽ là cơ sở để bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị./.

Ông Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thành phố Đà Nẵng:"Vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng, tâm phải trong sáng. Người lãnh đạo phải vì sự phát triển của địa phương, đất nước thì việc chỉ đạo, soát xét, sắp xếp, lựa chọn, đề bạt cán bộ mới thực chất, chọn được người tài. Lựa chọn, đề bạt người nhà, bà con thân hữu, sẽ làm mất sự phấn đấu của người trẻ, có tài, cản trở sự phát triển của địa phương, đất nước".

Đại tá Trần Đình Du, cán bộ hưu trí, ở phường Phước Tân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: "Quy định về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nhiều điểm mới, tuy nhiên, quá trình triển khai phải quyết liệt, tránh hình thức. Về điều kiện bổ nhiệm, phải có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh. Kê khai mà không công khai, thì cũng chỉ để đó, không ai bị xử lý".

Ông Nguyễn Hữu Trà, đảng viên ở thành phố Đà Nẵng: "Quy định này sẽ khắc phục những bất cập trong công tác cán bộ, tăng cường kiểm soát quyền lực, ngăn chặn việc luân chuyển người quen, người thân để tạo phe cánh. Cùng với việc ở trên kiên quyết chống tham nhũng thì phải gắn với việc ngăn chặn những hành vi, việc làm không đúng trong thực hiện luân chuyển, “con đẻ” của việc tham nhũng quyền lực. Tôi tin thực hiện quy định này sẽ mang lại chuyển biến, thậm chí có sự bứt phá trong thực hiện công tác cán bộ và chống tham nhũng".

Ông Vũ Đình Đức, phường Thanh Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai:"Với việc siết chặt bằng quy định này, thời gian tới, những câu chuyện đau lòng trong xử lý cán bộ chủ chốt không thể tái diễn".

Ông Bùi Chí Loan ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng: "Những nội dung trong quy định rất đầy đủ và chặt chẽ. Nếu như tất cả các cấp ủy Đảng quán triệt và thực hiện nghiêm túc thì sẽ tránh được việc lợi dụng chức quyền để bổ nhiệm con cháu, người thân vào những vị trí công tác không đúng quy định".

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN