Dự thảo Luật An ninh mạng quy định các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam như Google, Facebook phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam đã làm dấy lên cuộc tranh luận lớn.
Vì sao đưa ra quy định này?
Một hãng bia nổi tiếng thế giới có nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã phát đơn “cầu cứu” Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu YouTube, Facebook gỡ bỏ các clip sai sự thật về việc sản xuất bia giả mang nhãn hiệu của họ. Song yêu cầu của Việt Nam về việc này vẫn chưa được thực hiện.
Trong báo cáo tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua công tác chấn chỉnh, xử lý thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, phản động trên mạng xã hội, đến nay, YouTube đã gỡ bỏ trên 4.400 clip có nội dung xấu, độc hại; Facebook đã gỡ bỏ 678 tài khoản và bài viết vi phạm. Nhưng những con số này vẫn quá ít so với số lượng thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật được đăng tải mỗi ngày.
Ông Nguyễn Chí Thành, Chánh văn phòng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, luật hiện hành quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm “xóa thông tin có nội dung chống Nhà nước, thông tin sai sự thật, vu khống trên không gian mạng”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ cung cấp truy nhập Internet, còn nội dung thông tin được lưu trữ trên máy chủ của khách hàng, nên doanh nghiệp không thể thực hiện được.
Theo ông Nguyễn Hồng Văn, Phó viện trưởng Viện An toàn thông tin, điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin cá nhân, vị trí, thói quen của người Việt Nam bị thu thập phục vụ mục đích của kẻ xấu thông qua các dịch vụ nêu trên, trong khi chúng ta chẳng hay biết và cũng không quản lý được? Giả sử có một cuộc chiến tranh mạng tấn công Việt Nam từ những sơ hở nêu trên, hậu quả sẽ khôn lường.
“Do vậy, quy định này là cần thiết để cơ quan quản lý kiểm soát các dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam. Đó là nền tảng để Nhà nước có thể tiến hành các bước tiếp theo trong việc đảm bảo an ninh mạng quốc gia”, ông Văn nêu quan điểm.
Còn theo TS. Mai Anh, Chủ tịch Hội Tin học viễn thông Hà Nội, mất an ninh mạng còn bắt nguồn từ quá trình thiết kế, xây dựng để hình thành hạ tầng kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, việc mua sắm những trang thiết bị quan trọng cần phải được luật hóa, tránh tình trạng bị cài đặt sẵn những thiết bị nằm vùng.
Hàng ngàn máy chủ của Google, Facebook đã được đặt tại Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng, hiện có sự hiểu sai kỹ thuật về quy định “đặt máy chủ tại Việt Nam”. Ở đây, cần phân biệt rõ giữa “máy chủ quản lý dữ liệu người dùng” và “máy chủ cung cấp dịch vụ (server)”.
Hiện nay, các công ty như Google, Facebook, Microsoft đang cung cấp các dịch vụ Gmail, Drive, Google Plus, Youtube (Google), Facebook, Messenger (Facebook) Yahoo mail (Yahoo), Skype (Microsoft), Viber (Rakuten) xuyên biên giới, nghĩa là cung cấp dich vụ trên nền tảng đám mây và vị trí server không được xác định cụ thể với người dùng.
Trên thực tế, các nhà mạng Việt Nam đang cho thuê, thậm chí miễn cước dịch vụ cho thuê đặt máy chủ và cước kết nối Internet cho Google, Facebook. Và đây đều là các máy chủ quản lý dữ liệu người dùng.
Dẫn số liệu số tài khoản Facebook tại Việt Nam đạt 64 triệu, chiếm 3% trên tổng số 2 tỷ thành viên trên Facebook, đứng thứ 7 trên thế giới, ông Đào Trung Thành, Phó giám đốc Technonologies cho rằng: “Tôi cho rằng, Facebook vẫn sẽ tuân thủ Luật An ninh mạng Việt Nam dựa trên các quyền lợi kinh tế của họ”.
Hơn thế, với việc các nhà cung cấp lắp đặt hệ thống máy chủ với số lượng lớn ở Việt Nam, người dùng sẽ được lợi khi tốc độ truy cập nhanh hơn, bởi họ truy cập dịch vụ tại địa phương và không phải qua cổng quốc tế phụ thuộc cáp quang biển thường xuyên có sự cố. Đồng thời, các hiện tượng fake new, vụ khống, bịa đặt trên mạng xã hội cũng sẽ giảm.
Như vậy, quy định đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng là một biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, an ninh, lành mạnh môi trường Internet. Và tất nhiên, sẽ không có chuyện Facebook, Google “rời bỏ” thị trường Việt Nam, nơi có 64 triệu người dùng, mang lại gần 400 triệu USD doanh thu cho họ, nơi mà họ thậm chí còn được miễn phí đặt máy chủ.
Theo Báo Đầu tư