(Baonghean) - Để  xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Qùy Châu triển khai nhiều giải pháp tích cực, trong đó, chú trọng công tác hòa giải cơ sở.
 
 
images1080451_t__h_a_gi_i_co_s__kh_i_3__th__tr_n_q_y_ch_u_tuy_n_truy_n__v_n_d_ng_nh_n_d_n_ch_p_h_nh_t_t_ch__truong__ph_p_lu_t_c_a___ng_v__nh__nu_c..jpgMột buổi sinh hoạt của Tổ hòa giải cơ sở khối 3, Thị trấn Qùy Châu.
 
Cuộc sống của gia đình bà Vi Thị M, bản Na Ca, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) từ ngày có người con dâu luôn trong không khí nặng nề. Do đời sống kinh tế của gia đình khó khăn, các thành viên trong gia đình không có việc làm, thu nhập không ổn định, nên mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở nên căng thẳng, ngột ngạt. Cả 2 người ở chung dưới cùng một mái nhà, ra vào đụng mặt nên thường xuyên cãi vã khiến hàng xóm, làng giềng ái ngại. Sự việc kéo dài hơn 4 năm nhưng không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, vì không ai chịu nhường ai. Trước hoàn cảnh đó, bà Sầm Thị Niên, Trưởng bản Na Ca, kiêm Phó Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải cùng các thành viên tích cực vào cuộc giúp đỡ. Sau khi nắm bắt tình hình, bà Niên phân tích cho đôi bên hiểu đạo hiếu, tình nghĩa mẹ con, cũng như những tác động xấu đối với con cái trong gia đình, bà con thôn bản. Nhờ được làm tốt công tác tư tưởng, phân tích thấu đáo nên cả bà M và người con dâu đều nhận thức được những thiếu sót của mình và hứa sẽ sửa sai. Bà Sầm Thị Niên cho biết: “Từ khi được hòa giải cho đến nay, mối quan hệ của bà M và con dâu trở nên thân thiết và tình cảm, không còn cảnh tiếng to, tiếng nặng nữa mà thay vào đó là tiếng cười đầm ấm, vui vẻ. Các thành viên trong gia đình chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế nên đời sống gia đình ngày càng khấm khá”.
 
Vụ việc trên chỉ là một trong số hàng trăm vụ mâu thuẫn, tranh chấp xẩy ra trên địa bàn huyện Qùy Châu trong những năm qua và đã được hòa giải thành công. Là một địa bàn miền núi, đời sống nhân dân còn nghèo, trình độ dân trí còn thấp, nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên những vụ việc tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn trên địa bàn huyện xảy ra tương đối nhiều. Thế nhưng nhờ làm tốt công tác hòa giải nên phần lớn các vụ việc ở cơ sở đều được giải quyết thấu tình, đạt lý ngay khi vừa phát sinh. Trong vòng 5 năm qua (2009 - 2014), các tổ chức hòa giải trên địa bàn huyện đã hòa giải được 490 vụ việc, trong đó có 429 vụ hòa giải thành công. Riêng 9 tháng đầu năm 2014 đã tổ chức hòa giải được 54 vụ, trong đó hòa giải thành công 46 vụ, việc. Đạt được kết quả trên là nhờ tâm huyết của các tổ chức hòa giải và hoà giải viên cơ sở tại các thôn, bản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 146 tổ hòa giải cơ sở với 920 hoà giải viên. Theo chị Lang Thị Hương, Trưởng phòng Tư pháp huyện Qùy Châu thì các nội dung hòa giải chủ yếu xoay quanh các vấn đề tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự... Nếu giải quyết tốt những mâu thuẫn ngay từ dưới thôn, bản và cấp xã sẽ hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh nông thôn và trật tự, an toàn xã hội.
 
Để các tổ chức hòa giải cũng như các thành viên có đủ nặng lực, trình độ, hàng năm, Phòng Tư pháp phối hợp với MTTQ huyện và các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật về công tác hòa giải cơ sở, các chủ trương của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn kiện toàn các tổ hòa giải ở khối, xóm, đảm bảo đúng thành phần, số lượng và đi vào hoạt động hiệu quả. Vì thế tình hình an ninh trật tự trong các thôn bản được giữ vững, tình cảm làng xóm ngày càng bền chặt, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên…Trong công tác hòa giải xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu như ông Vương Đình Sửu, khối 3, Thị trấn Tân Lạc; Nguyễn Văn Huấn, bản Hợp Tiến, xã Châu Tiến; Sầm Thị Niên, bản Na Ca, xã Châu Hạnh; Lô Văn Cương, bản Thanh Sơn, xã Châu Nga; Tô Duy Trọng, bản Quỳnh 2, xã Châu Bình... Đây là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, có kiến thức pháp luật, có trách nhiệm với công việc hoà giải được người dân tin tưởng, yêu mến. 
 
Để hoà giải thành công một vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đặc biệt là trong nội bộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hoà giải viên và các tổ hoà giải tại các thôn, bản trên địa bàn huyện Quỳ Châu phải vừa nắm vững phong tục, tập quán của đồng bào, vừa có kiến thức pháp luật để giúp người dân phân định rõ đúng, sai, ứng xử hợp lý, hợp tình trong mối quan hệ. Xuyên suốt các hoạt động đó, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự phối kết hợp của Tư pháp, Mặt trận và các tổ chức thành viên, huyện Quỳ Châu luôn phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín tại mỗi thôn, bản.
 
Nguyên Hưng