(Baonghean.vn) - Hiện nay, huyện Qùy Châu có trên 19.000 con trâu, gần 10.000 con bò và trên 4.200 con dê. Nhiều xã đang phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa với số lượng lớn.
Theo thống kê, xã Châu Hoàn hiện có nhiều đồng cỏ, có thể phát triển tốt cho chăn nuôi trâu, bò, dê. Hiện xã có hơn 2.300 con trâu, bò, dê và số lượng con được duy trì và tăng lên hàng năm.
Gia đình ông Vi Hải Đức - bản Mờ Póm, xã Châu Hoàn, huyện Qùy Châu trước đây chỉ nuôi từ 1 - 2 con trâu để làm sức kéo. Nhận thấy nuôi trâu có hiệu quả kinh tế nên gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư vốn chăn nuôi và hiện có 20 con trâu bò, trị giá vài trăm triệu đồng.
Ông Vi Hải Đức chia sẻ: “Vùng miền núi muốn thoát nghèo thì chỉ dựa vào chăn nuôi trâu, bò thôi. Khi có việc cần chi khoản tiền lớn bán 1-2 con trâu, bò thì có thể lo được. Người dân ở đây nuôi trâu, bò để lo cho con cái ăn học, làm nhà, cưới vợ cho con…”
Xã Châu Hội cũng là địa phương đã và đang phát triển kinh tế từ chăn nuôi đại gia súc. Nhiều hộ gia đình là đưa chăn nuôi trâu, bò, dê… thành nghề chính mang lại thu nhập, hướng làm giàu chính đáng.
Gia đình anh Lang Thanh Tùng - Bản Hội 1, xã Châu Hội là một trong những gương tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế bằng chăn nuôi trâu bò. Anh cho biết: “Với diện tích hơn 4ha keo cách nhà chỉ hơn 3km nên việc chăn thả cũng rất thuận lợi. Khi trồng cây keo được 3 tuổi thì có thể thả trâu, bò ở đây. Nuôi trâu, bò mang lại lợi nhuận kinh tế hơn các con vật khác, chăm đàn trâu từ 20 con mỗi năm đẻ từ 8-10 con đã có lãi từ 70 - 80 triệu đồng.”
Qùy Châu là huyện miền núi với địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn nhưng có những lợi thế riêng để phát triển chăn nuôi đại gia súc như: Diện tích đất tự nhiên lớn, có nhiều bãi cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc; phụ phẩm nông nghiệp dồi dào… Đây là hướng phát triển kinh tế mang lại cơ hội thoát nghèo cho bà con các dân tộc trong huyện.
Nhằm khai thác thế mạnh chăn nuôi ở khu vực miền núi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Qùy Châu đã và đang phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện 6 nhóm giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác quy hoạch các vùng chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo hướng an toàn, bền vững. Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc với mục tiêu tăng giá trị chăn nuôi trâu, bò. Ngoài ra hướng đến chăn nuôi quy mô lớn có kiểm soát, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật, người chăn nuôi có lãi, sản xuất ổn định./.
Bé Vinh