(Baonghean) - Câu chuyện “bội chi” Quỹ BHYT gần đây lại “nóng” lên khi BHXH Việt Nam cho biết, năm 2017, Quỹ này sẽ “bội chi” khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó Nghệ An đang là tỉnh “có số bội chi quỹ BHYT tuyệt đối cao nhất so với cả nước”. Vậy đâu là bản chất của câu chuyện “bội chi” và ai là người chịu thiệt khi xảy ra tình trạng này?
BHYT toàn dân là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Thực tế việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm. Vì vậy, những năm qua, nhiều chính sách về BHYT đã được đưa ra nhằm tăng thêm quyền lợi cho người có thẻ BHYT trong việc khám, chữa bệnh.
Những chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp người có thẻ BHYT dễ tiếp cận với các cơ sở khám, chữa bệnh, nên việc khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT tăng và Quỹ BHYT chi trả tăng là tất yếu.
Nhưng thay vì nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế quản lý Quỹ BHYT cho phù hợp thực tiễn, cơ quan quản lý Quỹ BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) lại chăm chăm vào câu chuyện “bội chi” và “lạm dụng” Quỹ BHYT để rồi tìm cách “siết chặt các khoản chi” tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Ví như ở Nghệ An, trong 8 tháng đầu năm 2017, các cơ sở khám, chữa bệnh đã đề nghị thanh toán đối với thẻ BHYT của tỉnh phát hành là 2.302 tỷ đồng. Theo BHXH Nghệ An, cân đối với nguồn quỹ được BHXH Trung ương giao, Nghệ An đã chi vượt 1.020 tỷ đồng. Trong đó, riêng số tiền tăng do thay đổi chính sách khám, chữa bệnh (thông tuyến, giá dịch vụ tăng) đã tăng thêm 450 tỷ đồng; tăng chi cho số lượt bệnh nhân đến khám là 358 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, BHXH Nghệ An đã "từ chối thanh toán", "tạm treo chưa chấp nhận thanh toán" số tiền trên 26 tỷ đồng đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, khiến các cơ sở này lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì bệnh nhân đã khám, thuốc đã xuất nhưng tiền lại không được chi trả!
Nhiều lãnh đạo bệnh viện trên địa bàn Nghệ An than phiền rằng: Bệnh nhân đến khám đông, chúng tôi không có quyền từ chối, mà khám xong thì BHXH lại bảo vượt trần, rồi đòi “xuất toán”. Đáng lẽ chúng tôi dành thời gian lo cho chuyên môn, giờ lại phải dành thời gian lo đối phó “xuất toán”.
Do đó hiện nay, để tránh “vượt trần” dẫn đến bị “xuất toán”, các cơ sở khám, chữa bệnh thường đối phó bằng cách chỉ định những xét nghiệm đơn giản, cấp các loại thuốc rẻ tiền cho người khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT cho an toàn!
Chính vì vậy, tại cuộc làm việc về quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, giữa đoàn ĐBQH tỉnh với BHXH Nghệ An mới đây, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh đã thẳng thắn nêu: “Trong mối quan hệ “tay ba”: BHXH - Y tế - người bệnh, thì rõ ràng người bệnh đang chịu thiệt thòi nhất”; bởi ngành BHXH và ngành Y tế là các đơn vị liên quan đến việc quản lý, chi trả quỹ BHYT vẫn mới chỉ “loay hoay” tìm cách đảm bảo cho sự ổn định của ngành mình.
Vậy nên, khi các ngành chức năng chưa tìm được cách quản lý Quỹ BHYT một cách hợp lý, khoa học, mà vẫn chăm chăm vào câu chuyện “bội chi”, “lạm dụng”, để “đánh lạc hướng dư luận”, thì bên chịu thiệt vẫn là người có thẻ BHYT.
Trong khi mong muốn sớm có phương án quản lý Quỹ BHYT một cách khoa học, thì một câu hỏi mà các cơ sở y tế và người bệnh muốn BHXH Việt Nam trả lời là: Mới 2 năm trở lại đây, khi “quyền lợi người có thẻ BHYT” được mở rộng thì mới xảy ra cái gọi là “bội chi”; còn trước đây, hàng năm, Quỹ BHYT các tỉnh, thành đều “kết dư” hàng chục, hàng trăm tỷ đồng và đều được chuyển về BHXH Việt Nam, số tiền “kết dư” đó hiện đã lên đến 47.000 tỷ đồng dùng để làm gì? Và tại sao bây giờ không đưa vào sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT, mà BHXH Việt Nam lại chỉ đạo “các địa phương thu bao nhiêu thì chi bấy nhiêu”? |
Đức Chuyên