Đoàn chủ tịch gồm các ông, bà: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (điều hành phiên họp).
Buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Buổi sáng, các ĐBQH tập trung thảo luận về các vấn đề: các hình thức tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo, người tố cáo và người giải quyết tố cáo; việc nhiều người cùng tố cáo cùng một nội dung; giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực và việc bảo vệ người tố cáo…
Đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận tại phiên thảo luận. Ảnh: Huyền Thương Các ĐBQH cơ bản đồng tình với tờ trình của dự thảo luật, nhiều đại biểu thể hiện sự quan tâm tới quyền lợi của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo. Phát biểu tại Hội trường liên quan đến các hình thức tố cáo được quy định tại Điều 22 của Dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay thì hình thức tố cáo qua các phương tiện như fax, thư điện tử, điện thoại là một trong những hình thức vừa đảm bảo giữ bí mật của người tố cáo, vừa đảm bảo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, Luật Tố cáo hiện hành quy định hai hình thức tố cáo bằng văn bản và trực tiếp thì chỉ có tỷ lệ chưa đến 18% là tố cáo đúng, còn chủ yếu là tố cáo có đúng có sai.
Đại biểu Quốc hội (Nghệ An) Trần Văn Mão bày tỏ sự băn khoăn việc sử dụng các phương tiện điện tử để tố cáo sẽ dẫn đến lợi dụng dân chủ trong hoạt động này để tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải trong xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo, đặc biệt là việc xác minh các vụ việc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Do vậy, thống nhất quan điểm như đa số ý kiến đại biểu khác, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị giữ nguyên quan điểm về các hình thức tố cáo như pháp luật hiện hành. Đại biểu Trần Văn Mão cũng phát biểu các ý kiến liên quan các nội dung về thời hiệu tố cáo, quyết định rút tố cáo và một số nội dung khác.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Huyền Thương Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Phát biểu tại hội trường, ĐBQH (Nghệ An) Nguyễn Thanh Hiền đề nghị Quốc hội nên có nghiên cứu thỏa đáng về việc đưa các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Hiện nay vẫn còn một bộ phận lớn các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực hiện tự chủ và vẫn đang được ngân sách cấp phát. Các đơn vị sự nghiệp công lập này đang phải thực hiện lộ trình chuyển dần sang cơ chế tự chủ theo hình thức Nhà nước đặt hàng. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và đang trong quá trình chuyển phí vào giá và tiến tới việc Nhà nước đặt hàng này, việc thực hiện các quy định như dự thảo luật là chưa khả thi và phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cũng đề nghị dự thảo cần có các quy định rõ ràng đối với một số nội dung liên quan nhằm tránh cơ chế xin - cho, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện luật. Ông Nguyễn Thanh Hiền cũng phát biểu cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trong việc cấp quyết định hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thời hạn thẩm định việc tập trung kinh tế…