Bên cạnh việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kỳ họp này Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về kế hoạch và các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Người phát ngôn của Kỳ họp thứ 5, ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: VGP/Thành Chung
Chiều 17/5, Văn phòng Quốc hội giới thiệu chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XIII tới đông đảo báo giới trong nước và nước ngoài.
Chủ trì buổi họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Người phát ngôn của Kỳ họp thứ 5, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết một nội dung hết sức quan trọng là việc lần đầu tiên, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh đến tính khách quan khi bỏ phiếu là yêu cầu cao đối với mỗi đại biểu Quốc hội.
Theo đó, cơ sở để đại biểu Quốc hội quyết định lá phiếu của mình là báo cáo tự kiểm điểm của mỗi chức danh, đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội (trước 20 ngày diễn ra Kỳ họp) và kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các kiến nghị, góp ý của cử tri thông qua các đại biểu Quốc hội.
Theo thông báo, nội dung lấy phiếu tín nhiệm sẽ bắt đầu bằng việc Chủ tịch Quốc hội báo cáo một số vấn đề về triển khai Nghị quyết 35 của Quốc hội. Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn đại biểu về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh. Sau đó Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và ra Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Đối với trường hợp của ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính (nay đã được điều chuyển làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) sẽ được Quốc hội làm thủ tục miễn nhiệm (và bầu chức danh thay thế) vào ngày 24/5, trong khi đó đến trung tuần tháng 6 Quốc hội mới thực hiện lấy phiếu tín nhiệm nên ông Vương Đình Huệ sẽ không nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm.
Đồng thời, người thay thế ông Vương Đình Huệ trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính (qua Quốc hội bầu cử và phê chuẩn) cũng sẽ không phải đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp này.
Người phát ngôn của Kỳ họp nhấn mạnh quy trình trong bầu cử nhân sự sẽ đảm bảo công khai, nghiêm túc theo đúng quy trình. Với vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ có trách nhiệm bàn bạc và đưa ra danh sách ứng cử để Quốc hội bầu. “Vị trí này có số dư hay không thì phụ thuộc vào danh sách. Nếu không có người xin rút khỏi danh sách thì sẽ có số dư”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Một nội dung quan trọng nữa của Kỳ họp là các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ gửi một Báo cáo dày 150 trang giải trình việc tiếp thu ý kiến nhân dân đối với việc sửa đạo luật quan trọng này của đất nước.
Cùng với Hiến pháp Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến với 7 dự án Luật khác gồm Luật Tiếp công dân, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Luật Việc làm.
Quốc hội cũng sẽ thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này cùng 9 dự án Luật khác là Luật Hoà giải cơ sở, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh, Luật Phòng chống khủng bố, Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi), Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội cũng cho ý kiến về kế hoạch và các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiếu khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn kinh tế;… cho ý kiến về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu của Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006- 2012; việc đàm phán ký thoả thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt - Lào.
Để tạo thuận lợi cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, Kỳ họp thứ 5 sẽ bố trí 9 ngày truyền hình, phát thanh trực tiếp các nội dung thảo luận tại Hội trường. Kỳ họp sẽ khai mạc vào thứ 2 (ngày 20/5) và sẽ bế mạc vào ngày 22/6 tại Hà Nội.