Những ngày qua, các phiên họp trực tuyến để thẩm tra dự án luật đã trở nên quen thuộc hơn với các thành viên của Ủy ban Pháp luật. Với dự án luật khó như Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, thường trực Ủy ban đã lập kế hoạch từ sớm, phối hợp với Viện nghiên cứu Lập pháp tổ chức hội thảo trực tuyến để nghe các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các luật sư trong lĩnh vực này. Cách làm như vậy đảm bảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lắng nghe được ý kiến nhiều chiều để nâng cao chất lượng thẩm tra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội sẽ không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người”, không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến, mà Quốc hội sẽ giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, thậm chí “đặt hàng”, cho các cơ quan Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật.
Tinh thần đó đã thấm, ngấm đến từng đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội. Bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: "Tinh thần làm việc hết sức cố gắng, tâm huyết, trách nhiệm, thường trực làm việc ngoài giờ, như tinh thần Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Làm hết việc chứ không phải hết giờ. Sự chủ động cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, các nội dung do Chính phủ trình, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có sự nghiên cứu trước, Chính phủ cũng có sự cầu thị tiếp thu, hoàn thiện dự án, hoàn thiện các báo cáo để đảm bảo nội dung trình có chất lượng cao nhất".
"Trong điều kiện dịch bệnh, chúng tôi nghĩ rằng làm hình thức này thì nó vẫn đảm bảo hiệu quả, hai bên vẫn có thể cùng nghiên cứu báo cáo, cùng trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất về nhận thức chung cũng như từ phía Ủy ban thì có thêm cơ sở vững chắc để chúng tôi ban hành báo cáo giám sát các lĩnh vực này" - ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay. Mục tiêu đổi mới trong phong cách làm việc của từng cơ quan của Quốc hội được tiếp thêm động lực từ chính tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, chủ động, linh hoạt, nhạy bén và trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, những đổi mới có ý nghĩa lan tỏa đến hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng như từng đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động trong việc tìm hiểu sớm nội dung trong chương trình hoạt động của Quốc hội, trong phòng chống dịch Covid-19, hàng tuần, thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đều có báo cáo về tình hình này trong lĩnh vực mình phụ trách. Tính quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động được bảo đảm. Cách làm việc của Quốc hội thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới để không chỉ thích ứng tốt với điều kiện biến động nhanh như hiện nay, nhưng vẫn đặt yêu cầu chất lượng công việc lên hàng đầu.
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: "Quốc hội đã luôn đồng hành, chia sẻ và ủng hộ các quyết sách của Chính phủ về phòng, chống dịch cũng như tháo gỡ các khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 30 trong đó phần lớn dung lượng là các giải pháp chưa từng có tiền lệ trao cho Chính phủ tăng cường phòng chống dịch. Tiếp đó là Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của Luật để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Và gần đây nhất, thứ Sáu tuần trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 03 về hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp".
Một Quốc hội đổi mới, sáng tạo trong tư duy được thể hiện bằng hành động, bằng những quyết sách kịp thời, có ý nghĩa cho cuộc sống của người dân, của đất nước. Để làm được điều đó đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén trong trí tuệ, năng lực, sự đổi mới mạnh mẽ tác phong làm việc, tâm huyết, trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội./.