(Baonghean) - Là một huyện vùng núi cao còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90% dân số, việc nhận thức và chấp hành chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần răn đe các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn, Tòa án nhân dân huyện Quế Phong đã tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại các địa phương…
Đã tham gia xét xử lưu động nhiều vụ án liên quan đến ma túy, nhưng trường hợp của nữ bị cáo V.T.S - người dân tộc thiểu số, sinh năm 1993 ở xã Đồng Văn gây nhiều xót xa hơn cả đối với các thành viên Hội đồng xét xử sơ thẩm thuộc Tòa án nhân dân huyện Quế Phong cũng như những người tham dự. S bị bắt khi trong người đang tàng trữ trái phép 2 gam ma túy. Trong phiên xử lưu động, khi chủ tọa phiên tòa hỏi: Không nghiện thì mua ma túy để làm gì? Bị cáo hồn nhiên trả lời: “Nghe bạn bè nói không hút ma túy thì không sành điệu. Hút một, hai lần thì không nghiện nên mua về hút thử cho biết”. Câu trả lời của cô gái trẻ khiến những người có mặt tại phiên tòa vừa thương, vừa giận. Khi tòa tuyên án 3 năm tù giam, những giọt nước mắt hối hận muộn màng không ngừng rơi trên khuôn mặt non nớt của V.T.S khiến ai cũng xót xa…
Từ năm 2012 đến năm 2014, Tòa án nhân dân huyện Quế Phong đã xét xử lưu động 33 vụ ở 8 địa phương, trong đó 70 -80% là những vụ việc liên quan đến ma túy. Những vụ án này được đưa ra xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra các hành vi phạm tội được xem là cách tuyên truyền hiệu quả, sâu rộng tới người dân về tác hại, hiểm họa của ma túy. Các bị cáo ở mỗi vụ án có hoàn cảnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là ít học, thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu bản lĩnh trước những cám dỗ vật chất và phải nhận những bản án nghiêm khắc, được đông đảo nhân dân địa phương tham dự phiên tòa đồng tình. Song, đằng sau những phiên tòa đó là bi kịch của nhiều gia đình, của những số phận trước cơn lốc của ma túy. Có trường hợp cả 3 cặp chị em ruột, 2 vợ chồng đều phạm tội liên quan đến ma túy để lại con cái bơ vơ, nheo nhóc. Có trường hợp chồng nghiện mua heroin về giấu ở nhà vừa hút, vừa bán lẻ, khi có con nghiện đến hỏi mua, chồng không có nhà, vợ vì thiếu tiền mua thức ăn cho con nên cố tìm chỗ chồng giấu ma túy bán cho khách và để khách sử dụng tại nhà. Dẫu số tiền chỉ là 50 nghìn đồng, nhưng người vợ đã phạm vào hai tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.
Nhiều trường hợp từ nghiện ma túy dẫn tới buôn bán trái phép chất ma túy như vụ án của bị cáo N.K.T ở khối 3, Thị trấn Kim Sơn. Sau 3 lần đi tù, được gia đình, chính quyền địa phương tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng với nghề sửa chữa xe máy, những tưởng T sẽ đoạn tuyệt với quá khứ để làm lại cuộc đời, chăm sóc 2 đứa con thơ, nhưng T lại tái nghiện. Trong một lần đi xe máy lên xã Châu Kim để xây nhà nhưng do chủ nhà chưa có vật liệu nên T đi hỏi tiền nợ của mấy nhà xung quanh. Có tiền trong tay, T nảy sinh ý định mua ma túy bán kiếm lời và bị lực lượng công an bắt quả tang. Tại phiên xét xử lưu động, T bị tòa tuyên phạt 10 năm tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Người mẹ già đã hơn 88 tuổi của T không còn nước mắt để khóc khi nhiều lần phải đến tòa dự xử án con mình. Nhìn thấy mẹ ngất đi trong tay người thân, T ân hận thốt lên “nếu làm lại cuộc đời sẽ không bao giờ tái phạm…”.
Nghiện ma túy cũng là nguyên nhân khiến bị cáo Q.V.T, sinh năm 1989, dân tộc Thái, ở bản Đỏn Chám, xã Mường Nọc chưa từng có tiền án, tiền sự liều lĩnh mang theo 4 khẩu súng tự chế và gói chất nổ xông vào Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Quế Phong. Đối tượng đi thẳng đến phòng kế toán ngân quỹ ở tầng 1 rút 2 khẩu súng chĩa vào cán bộ giao dịch và hô to “Tất cả giơ tay lên! Đưa đây hai mươi triệu!”. Khi mọi người có thái độ chống đối T đã cầm súng giơ lên trần nhà bóp cò; quá hoảng sợ, nhiều người bỏ chạy ra ngoài, chỉ có chị N.T.C ở lại, do sợ quá chị C đã đưa cho T số tiền hai trăm ngàn đồng. Lấy được tiền T rời ngân hàng với ý định chạy trốn, nhưng đã bị bắt ngay sau đó. Dẫu số tiền cướp được từ ngân hàng chỉ có hai trăm nghìn đồng, nhưng hành vi của T đặc biệt nghiêm trọng. T được đưa ra xét xử dưới hình thức lưu động tại Trung tâm LĐXH và bị tuyên án 8 năm tù vì tội “cướp tài sản”. Vụ án của T là bài học cho những người siêng ăn, nhác làm, lười lao động, thiếu bản lĩnh…
Theo ông Võ Thạch Hùng - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quế Phong, trong xét xử lưu động thường án xảy ra ở địa phương nào thì xử tại địa phương đó, trong đó có cả trường hợp đối tượng là người địa phương khác nhưng gây án tại địa bàn. Trước khi xét xử có thông báo rộng rãi trên loa phát thanh hoặc in phiếu dán ở trung tâm các xã và phát về tận thôn bản để phổ biến cho bà con. Vì vậy, mỗi phiên tòa thu hút từ 150 đến hơn 350 người dân đến tham dự. Việc xét xử lưu động “người thật, việc thật” tại các địa bàn giúp cho bị cáo và nhân dân hiểu rõ về bản chất của sự việc, tính nguy hiểm do hành vi gây ra. Đây là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, là bài học cảnh tỉnh cho những ai dám coi thường luật pháp, góp phần răn đe, ngăn ngừa, phòng chống tội phạm…
Khánh - Thanh