Nhìn từ trên cao, có thể nhận thấy Quế Phong đang ngày càng "thay da đổi thịt", với nhiều công trình, nhà cửa san sát. (Trong ảnh: Một góc thị trấn Kim Sơn). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn là chợ Kim Sơn - công trình được đưa vào sử dụng cuối tháng 7/2021. Đây là khu chợ khang trang, hiện đại, xứng tầm bậc nhất của miền Tây xứ Nghệ. Chợ có quy mô hơn 6.000 m2 với tổng mức đầu tư 101,46 tỷ đồng, quy hoạch 389 ki-ốt từ 1-3 tầng. Chợ Kim Sơn có ý nghĩa quan trọng, là điểm sáng trong thu hút đầu tư của huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên
Cũng tại thị trấn Kim Sơn, khác với nhiều năm trước đây, hiện nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ được đầu tư xây dựng đã đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Ảnh: Đình Tuyên
Diện mạo của Quế Phong hôm nay không thể không nói đến hạ tầng giao thông, một trong những vấn đề được huyện quan tâm, xác định là một trong các đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay 100% xã, thị trấn đã có đường nhựa. Ảnh: Đình Tuyên
Đặc biệt trên lĩnh vực giáo dục, cùng với nội lực, huyện đã nhận được sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học ngày càng khang trang. (Trong ảnh: Trường THPT huyện Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên

Cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế và các trạm y tế xã, thị trấn, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ảnh: Đình Tuyên

Nhiều công trình phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được nâng cấp, xây mới. (Trong ảnh: Sân vận động huyện Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên
Theo đó, đã tạo nên nhiều sân chơi cho người dân trên địa bàn. (Trong ảnh: Các em nhỏ đá bóng tại Công viên Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên
Các điểm di tích lịch sử, văn hóa cũng được quan tâm trùng tu. (Trong ảnh: Đền Chín gian ở xã Châu Kim. Đền được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016. Đây là di tích lịch sử, văn hóa có nguồn gốc lâu đời gắn liền với quá trình hình thành các bản mường của đồng bào Thái miền Tây Bắc Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng. Gắn với di tích có Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức từ ngày 14 - 16/2 âm lịch hàng năm và 3 năm tổ chức một lần với quy mô cấp vùng, thu hút hàng nghìn du khách). Ảnh: Đình Tuyên
Nhiều điểm du lịch cộng đồng, Farmstay cũng được đầu tư, góp phần đưa Quế Phong trở thành một trong những điểm đến của khách du lịch trong và ngoài tỉnh (Trong ảnh: Farmstay Nhật Minh ở xã Châu Thôn thời điểm về đêm). Ảnh: Đình Tuyên

Nhiều công trình dân sinh cũng đặc biệt được quan tâm, như công trình Nhà máy nước thị trấn Kim Sơn, Dự án bãi xử lý rác thải... (Trong ảnh: Bãi xử lý rác thải, công trình được ưu tiên nguồn vốn trong 2 năm 2021-2022 để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2023, hứa hẹn sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề thu gom, xử lý rác thải, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân. Ảnh: Đình Tuyên

Theo lãnh đạo huyện Quế Phong, với đặc thù của một huyện miền núi, có điều kiện địa hình phức tạp, bởi vậy từ các các chương trình, dự án đầu tư, huyện đặc biệt chú trọng lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm, xem đây là “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. (Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Quế Phong kiểm tra tiến độ các công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Quế Phong (19/4/1963 - 19/4/2023). Ảnh: Đình Tuyên