(Baonghean.vn) - Từ năm 2011 đến nay, Quế Phong đã tổ chức dạy và học chữ viết, ngôn ngữ của đồng bào Thái, Mông cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến các xã.
Sáng 21/11, đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh do Trưởng ban Lô Thị Kim Ngân dẫn đầu có cuộc khảo sát việc thực hiện một số chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quế Phong từ năm 2011 đến nay.
Quế Phong là huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, có 4 dân tộc thiểu số chủ yếu: Thái, Mông, Khơ Mú và Thổ, trong đó đồng bào Thái chiếm hơn 80% tổng dân số toàn huyện. Đặc thù dân cư sống trên địa bàn huyện chủ yếu là các dân tộc thiểu số (chiếm trên 90%), mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa, phong tục tập quán riêng, tạo cho Quế Phong một bức tranh đa sắc về văn hóa dân tộc. |
Trong giai đoạn khảo sát, UBND huyện đã giao ngành Văn hóa và Thông tin thống kê nghệ nhân là người dân tộc thiểu số theo từng lĩnh vực: hiện có 21 nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ tre nứa; 4 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ; 48 nghệ nhân biết nghề truyền thống; 38 nghệ nhân biết diễn tấu; 89 nghệ nhân biết các loại trình diễn dân gian và 4 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng.
Việc sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu và lưu giữ các kiến trúc, trang phục, nhạc cụ, khí cụ, hàng thổ cẩm, sản phẩm đan lát, rèn, thêu được các cấp trên địa bàn chú trọng.
Việc giới thiệu, lưu giữ các sản phẩm văn hóa truyền thống trong đời sống hàng ngày tiếp tục được người dân quan tâm cùng với việc tổ chức truyền dạy cho thanh thiếu niên.
Công tác bảo tồn và phát triển thủ công truyền thống trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng được chăm lo. Huyện đã xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương qua đó thúc đẩy các ngành nghề phát triển. Các sản phẩm đan lát, dệt, rèn,... đã có mặt ở khá nhiều nơi và dần dần khẳng định thương hiệu hàng thủ công truyền thống của huyện Quế Phong.
Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, việc nghiên cứu truyền dạy chữ viết của người dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện với vai trò của một số nghệ nhân và nhà nghiên cứu tại huyện, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Đến nay, Quế Phong đã tổ chức dạy và học chữ viết, ngôn ngữ của đồng bào Thái, Mông cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến các xã, mở 13 lớp dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Thái và 1 lớp dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Mông, 1 lớp Tiếng Lào, với tổng số học viên đã tham gia và được cấp Chứng chỉ là 341 người.
Tuy nhiên, huyện Quế Phong cũng cho biết việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc nói chung và chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào trên địa bàn còn không ít khó khăn, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào đang bị mai một theo thời gian, đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp trách nhiệm lớn.
Việc tổ chức lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân trên các lĩnh vực hàng năm triển khai còn chậm; việc sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu và lưu giữ các kiến trúc, trang phục, nhạc cụ, khí cụ, hàng thổ cẩm, sản phẩm đan lát, rèn, thêu thông qua bảo tàng, các trung tâm văn hoá, triển lãm và trong đời sống hàng ngày mặc dù đã được tổ chức thực hiện song còn ít, một số lĩnh vực như kiến trúc nhà ở mới chỉ dừng lại ở thống kê, lựa chọn, giới thiệu làng Thái cổ…
Kết luận buổi làm việc, bà Lô Thị Kim Ngân đề nghị huyện Quế Phong tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện tốt các chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh ở vùng biên.
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, huyện cần rà soát các chính sách từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xác định cụ thể những kiến nghị, đề đạt của địa phương. Bên cạnh khuyến khích thoát ly, xóa bỏ yếu tố mê tín dị đoan trong nét văn hóa các dân tộc thiểu số, Quế Phong cũng cần quan tâm gìn giữ và phát huy các yếu tố tốt đẹp, văn minh, phù hợp và có lợi cho sự phát triển.
Cùng ngày, đoàn có chuyến khảo sát thực tế tại bản Na Xai, xã Hạnh Dịch - địa bàn cách trung tâm huyện khoảng 30 km, là nơi sinh sống chủ yếu của người Thái đen.
Thu Giang