(Baonghean) - Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và các hệ thống chính sách khuyến khích đi kèm, huyện vùng biên Quế Phong đang quyết tâm phát triển diện tích cây vụ đông với nhiều sản phẩm đặc thù nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và nâng cao thu nhập của người nông dân.
Rộn ràng vào vụ đông
Những ngày này trên cánh đồng của bản Đỏn Chám, xã Mường Noọc, huyện Quế Phong đã rộn ràng không khí làm đất, xuống giống của bà con nông dân sản xuất vụ đông. Chị Hà Thị Hoa, một nông dân cả bản đã làm vụ đông khoảng 3 năm nay cho biết: “Trước đây đất đai cao cưỡng bỏ hoang nhưng từ khi biết làm vụ đông mang lại thu nhập 5 -6 triệu đồng/vụ. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục canh tác trên 15a với nhiều giống rau màu như su hào, bắp cải, súp lơ”.
Vụ đông năm nay, bản có gần 30 hộ sản xuất với diện tích khoảng 4 ha. Phía sau những thay đổi đó có dấu ấn rất lớn của công tác vận động của hệ thống chính trị cũng như vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên.
Gần cả tháng nay mặc dù không có ruộng tại khu vực quy hoạch sản xuất rau vụ đông nhưng xóm trưởng Hà Thị Ánh cùng các cán bộ 30a là Vi Ngọc Bé và Lang Thị Thân đã “bám ruộng, bám dân” để vận động, trao đổi và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân.
Xóm trưởng Ánh cho biết: “Năm nay, để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, huyện đầu tư 220 triệu để đầu tư hệ thống điện kéo ra tận đồng và xây dựng bể nước, hệ thống ống dẫn nước từ bể kéo đến tận từng chân ruộng.
Người dân giảm được khâu gánh nước tưới từ dưới sông lên để tưới tiêu cho sản xuất rất phấn khởi. Mình ra đây để tuyên truyền cho bà con biết chủ trương, chính sách của huyện; vận động những hộ dân chưa quen với trồng rau màu vụ đông mạnh dạn chuyển đổi”.
Bên cạnh đó, huyện Quế Phong còn hỗ trợ 100% giống sản xuất cho bà con nông dân thông qua vườn ươm của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quế Phong đóng ngay tại chận ruộng của bản.
Đồng chí Vi Ngọc Bé, cán bộ 30a xã Mường Noọc cho biết: Ngoài hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho bà con, hợp tác xã cũng đã tính toán đầu ra cho sản phẩm như liên hệ với một số trường học trên địa bàn để bao tiêu cho nông dân khi thu hoạch”.
Chị Vi Thị Phương, bản Đỏn Chám chia sẻ: “Gia đình tôi có 10a đất tại khu vực này nhưng từ trước đến nay chỉ trồng sắn. Năm nay có chính sách hỗ trợ giống của huyện và được sự vận động, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ nên quyết định chuyển sang trồng rau màu. Mấy hôm nay thời tiết có bất lợi nhưng do chăm sóc đúng cách nên giống cây phát triển tốt lắm!”.
Còn tại xã Quế Sơn, địa phương vốn có truyền thống sản xuất rau vụ đông của huyện Quế Phong, công tác chuẩn bị đã được Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch từ giữa tháng 6 năm nay với mục tiêu gieo trồng được 37 ha các loại cây vụ Đông với cơ cấu cây ngô, rau, đậu các loại và khoa lang.
Để đạt được mục tiêu đó, địa phương này nhấn mạnh việc khai thác triệt để diện tích để tăng sản lượng lương thực, cây rau màu các loại, trong đó tập trung mở rộng diện tích ngô đông trên tất cả các loại đất theo hướng đầu tư thâm canh để có khối lượng sản phẩm lớn; đồng thời chỉ đạo nghiêm ngặt cơ cấu giống, lịch thời vụ, dịch vụ các loại vật tư, phấn bón; khắc phục tình trạng dịch vụ tự do, không rõ nguồn gốc, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Quế Sơn cho biết: “Hiện nay, xã đang chỉ đạo người dân tập trung thu hoạch lúa để chuyển sang sản xuất cây vụ đông. Trong đó, trọng tâm là Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Hải Lâm với diện tích 3 ha làm trên đất hai lúa và Hợp tác xã giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Quế Sơn”.
Nhiều chính sách khuyến khích
Huyện Quế Phong đã ban hành cơ chế hỗ trợ 75 triệu đồng làm 30 ha sản xuất cây vụ đông trên địa bàn các xã Tri Lễ, Châu Thôn, Thông Thụ, Tiền Phong, Nậm Giải, Đồng Văn và Nậm Nhoóng với các giống chủ lực gồm: su hào, bắp cải, cải bẹ Hà Nội…
Phòng NN&PTNT của huyện đã tổ chức phối hợp ươm các giống cây này tại Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quế Phong sau đó tiến hành cung cấp miễn phí cho bà con nông dân cho các địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương này còn lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất cây vụ đông.
Trong đó, các xã Đồng Văn, Châu Kim, Quế Sơn, Nậm Giải, Nậm Nhoóng hỗ trợ 30 triệu đồng/xã. Các xã Quang Phong, Cắm Muộn được hỗ trợ 60 triệu đồng/xã. Xã Hạnh Dịch được hỗ trợ 140 triệu và xã Mường Noọc được hỗ trợ 220 triệu đồng.
Ngoài ra, Quế Phong còn hỗ trợ 126 triệu đồng, tương đương 50% giá giống cho các địa phương trồng cây ngô đông với diện tích toàn huyện khoảng 300 ha gồm các vũng đất cao cưỡng, ven đồi, sông suối và đất thiếu nước trong sản xuất vụ Xuân.
Đồng chí Phạm Hoàng Mai – Phó phòng NN&PTNT huyện Quế Phong cho biết: “Chính sách hỗ trợ có vai trò rất quan trọng nhằm khuyến khích, tạo động lực cho nông dân sản xuất cây vụ đông. Tuy nhiên, do tập quán của đại bộ phận nông dân chưa quen làm vụ này nên chúng tôi quán triệt tinh thần phải “bám ruộng, bám dân” để hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình sản xuất cho bà con. Ngược lại, nếu cứ ra văn bản chỉ đạo mà không đồng hành cùng nông dân thì sẽ không làm được”.
Đồng chí Lữ Đình Thi – Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết: Huyện có nhiều tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất các loại cây trồng vụ đông song do tập quán sản xuất nên lâu nay gần như còn bỏ không ruộng đất vào vụ này. Do đó, thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế - xã hội, năm nay Quế Phong tập trung chỉ đạo trồng cây vụ đông nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, khai thác được thế mạnh của địa phương, thay đổi cung cách sản xuất cho bà con nông dân.
Thành Duy