Thành phố quê hương của đại tá Gadhafi là Sirte hôm qua hứng chịu đợt tấn công dữ dội của quân đội chính phủ mới tại Libya, với sân bay và căn cứ quân sự tại đây lần lượt bị đánh chiếm.
Lực lượng của chính phủ lâm thời Libya (NTC) tuyên bố họ đã đạt được bước tiến quan trọng trong chiến dịch Sirte, thành trì quan trọng nhất của lực lượng ủng hộ chế độ Gadhafi tại Libya hiện nay. Theo một phát ngôn viên của NTC, họ đã kiểm soát được sân bay và một căn cứ quân sự gần Sirte, đồng thời tiến sâu vào trung tâm thành phố.
Lực lượng của chính phủ mới tiến về Sirte. Ảnh: AFP.
Ngoài Sirte còn có một số thành phố khác ủng hộ Gadhafi cũng đang xảy ra giao tranh dữ dội là Bani Walid. Sau khi thủ đô Tripoli thất thủ hồi tháng trước, chính phủ của đại tá Gadhafi đã tan rã và bản thân ông này phải lẩn trốn. Các quan chức thân cận và vợ con Gadhafi thì bỏ chạy khắp nơi.
Những tay súng cuối cùng còn ủng hộ Gadhafi rút về cố thủ tại Sirte, Bani Walid và một số đô thị nhỏ khác để chống lại NTC, lực lượng đang nỗ lực kiểm soát hoàn toàn Libya. Mục tiêu quan trọng của NTC là bắt giữ hoặc tiêu diệt đại tá Gadhafi để dập tắt các nỗ lực chống chính quyền mới.
Tuy nhiên, tung tích của đại tá Muammar Gadhafi hiện vẫn còn là bí ẩn. Các nguồn tin tình báo khẳng định ông này vẫn ở Libya và chưa trốn ra nước ngoài. Một trong những nơi được nhiều người phỏng đoán ông đang ẩn náu là thành phố quê nhà Sirte. Đây là vùng đất gốc của bộ tộc Qadhadfa mà Gadhafi đã sinh ra từ đó.
Thời còn cầm quyền, đại tá Gaddafi từng tập trung phát triển Sirte từ một nơi hẻo lánh thành thủ đô thứ hai của Libya với một khu dinh thự hoành tráng. Tại đây cũng có một căn cứ quân sự và không quân lớn cùng hệ thống hầm ngầm kiên cố. Cùng với Sirte thì Bani Walid, nằm cách Tripoli 150 km về phía đông nam, cũng được cho là nơi Gadhafi có thể ấn náu.
Trong khi đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã công nhận NTC là chính quyền hợp pháp tại Libya, thay cho chế độ Gadhafi bị lật đổ. NTC cũng đã được Liên Hợp Quốc phê chuẩn để tiếp quản chiếc ghế của Libya tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Liên minh châu Phi (AU) hiện vẫn chưa công nhận NTC.