Theo tư liệu lịch sử, bước sang năm 1931 với việc thực hiện chính sách khủng bố một cách ráo riết của thực dân Pháp, nhiều đồng chí đảng viên hy sinh và bị bắt, phong trào cách mạng bước vào giai đoạn thoái trào, Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật.
Để đảm bảo lực lượng và duy trì cơ sở cách mạng, Xứ ủy Trung kỳ chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động lên các huyện miền núi Nghệ An và cử các đồng chí: Lê Xuân Đào (thuộc Xứ ủy), Nguyễn Hữu Bình (Tỉnh ủy Nghệ An), Lê Mạnh Duyệt (Phủ ủy Anh Sơn) về vùng Mường Quạ - Môn Sơn phối hợp hoạt động và gây dựng phong trào.
Từ huyện Anh Sơn, những người cộng sản đã băng rừng, ngược dòng sông Giăng đến với bản làng khuất sau dãy Pù Ông, Pù Quạ. Công việc bắt đầu tiến triển khi các đồng chí liên lạc và giác ngộ được Vi Văn Khang - một thanh niên dân tộc Thái có học thức. Đồng chí Vi Văn Khang tiếp tục vận động và giác ngộ các đồng chí Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, Vi Văn Lâm là những người trẻ tuổi có học vấn, tinh thần yêu nước. Các đồng chí đã vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh chống áp bức, xây dựng bản làng...
Tháng 3/1931, những người cộng sản ở Mường Quạ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống cường hào và giành được thắng lợi. Khoảng 1 tháng sau, tại nhà riêng của đồng chí Vi Văn Khang, Chi bộ Đảng Môn Sơn chính thức được thành lập. Chi bộ lúc đầu gồm 5 đảng viên: Vi Văn Khang (Bí thư), Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, Trần Ngân, Lê Mạnh Duyệt; sau đó kết nạp thêm đồng chí Vi Văn Lâm.
Nhà riêng của đồng chí Vi Văn Khang trở thành nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ và in ấn tài liệu. Chi bộ Đảng vừa ra đời đã bắt tay ngay vào công tác lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng: in ấn tài liệu tuyên truyền, thành lập tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ để tập hợp, giác ngộ tinh thần đấu tranh của nhân dân, từng bước tạo sự lan tỏa của phong trào trên khắp các bản, làng miền Tây xứ Nghệ.
Từ tháng 7 - 8/1945, khi phong trào cách mạng đang sục sôi trên phạm vi cả nước, thời cơ đã chín muồi, Chi bộ Đảng Môn Sơn quyết định lãnh đạo quần chúng vùng lên để trừng trị những kẻ áp bức, bóc lột, giành lấy chính quyền. Những ngày ấy, trên ngọn cây đa Cồn Chùa, cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới như là hiệu lệnh tập hợp bà con khắp các bản, làng. Dưới gốc đa, hàng trăm người tiến hành biểu tình, kéo đến nhà bọn địa chủ, chánh tổng thu hồi thóc gạo, tiền bạc chia cho dân nghèo. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân Mường Quạ nói chung và Môn Sơn nói riêng giành được thắng lợi.
Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Môn Sơn đã đóng góp đáng kể về sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng. Toàn xã đã huy động 2.780 lượt người tham gia dân công, hàng ngàn thanh niên nhập ngũ, đóng góp hàng ngàn tấn lương thực cho kháng chiến. Kết thúc cuộc chiến, 94 người con ưu tú đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và 35 thương binh, 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.389 tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước khen thưởng.
Cây đa Cồn Chùa và nhà riêng cụ Vi Văn Khang được công nhận Di tích lịch sử cách mạng. Đặc biệt, năm 1996, nhân dân xã Môn Sơn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng năm, tổ chức Lễ hội Môn Sơn - Mường Quạ để ghi nhớ công ơn những chiến sỹ cách mạng và khơi dậy niềm tự hào cho thế hệ trẻ của quê hương.
Môn Sơn sẽ trở thành thị tứ thứ hai của Con Cuông