Đầu năm đi lễ chùa đã trở thành nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.
Quãng độ từ mồng Ba đến Rằm tháng Giêng, người dân khắp nơi lại hành hương đến các chùa gần, chùa xa như: chùa Cần Linh, đền Hồng Sơn (TP.Vinh) đền ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Củi, chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) Bái Đính (Ninh Bình), chùa Dâu (Bắc Ninh), đền Bà chúa Kho... Vào những ngày này, các chùa, đền tấp nập người vào ra, bởi quan niệm "Đi lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng".
Ban quản lý các đền chùa nên có sự hướng dẫn du khách thập phương thắp hương,
dâng lễ đúng quy cách.
Với quan niệm đầu năm đi lễ đủ 10 chùa thì phúc đức cả năm, nên bắt đầu từ mồng 4 Tết, chị Thuỷ-một tiểu thương chợ Vinh cùng mấy gia đình người bạn đã thuê xe đi thăm viếng các ngôi chùa xa, gần trong tỉnh và các tỉnh lân cận. "Đầu năm đi chùa thắp nén nhang lễ phật để cầu bình an, cầu lộc, cầu tài cho gia đình và người thân. Đây cũng là dịp để gia đình, bạn bè thay đổi không khí, thăm quan đây đó để bắt đầu một năm mới với những công việc và dự định mới..." Khác với chị Thuỷ, gia đình anh Quang, một công chức ở Thanh Chương thì năm nào cũng vậy, từ chiều mồng 3 Tết, anh cùng gia đình tổ chức đi thắp hương và làm công đức ở các ngôi chùa, đền trên địa bàn huyện. Với anh, đi đền, chùa không phải để cầu an, cầu lộc mà tìm đến với sự thanh tịnh trong tâm hồn, rũ bỏ mọi bon chen, xô bồ của cuộc sống.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở các đền, chùa, nhất là những ngôi chùa lớn, những đền có tiếng "linh thiêng" đã xuất hiện những "biến tướng" làm mất đi vẻ đẹp vốn có. Đó là việc đốt vàng mã "vô tội vạ", cúng tiền thật một cách tràn lan và rải tiền lẻ ở khắp các tượng Phật. Hình ảnh người đi lễ chùa xăm xăm cầm xấp tiền lẻ và có thể rải bất cứ nơi nào: nhét vào tay, găm lên đầu, lên vai tượng Phật, để lên gốc cây, trên miếu thờ... trông rất phản cảm. Dọc hai bên cổng vào các đền, chùa thì dày đặc người ăn xin chèo kéo khách để xin tiền. Các quầy hàng bán hương, bán sách mê tín, dịch vụ viết sớ thuê... lấn cả lối vào chùa. Ở một số đền còn diễn ra các hoạt động mê tín như: bói chỉ tay, xem tướng, xóc xăm, giải quẻ các trò chơi cờ bạc trá hình. Hiện tượng chặt chém khách đi lễ chùa cũng trở nên phổ biến ở các đền chùa hiện nay: giá giữ xe lên đến 5.000đ/xe máy, có nơi 7.000đ/xe máy; một thẻ hương bán với giá 3.000đ/thẻ. Ở những chùa lớn, đông khách thập phương đổ về thì đã xảy ra hiện tượng móc túi, trộm cắp.
Thiết nghĩ Ban quản lý các di tích, danh thắng, các đền chùa cần có phương án đảm bảo an ninh, trật tự trong những ngày cao điểm lễ chùa đầu năm; không để xảy ra hiện tượng xô bồ như hiện nay và đặc biệt, các ngành chức năng cần vào cuộc để dẹp bỏ các tệ nạn mê tín dị đoan, trộm cắp...