45 phút đầu tiên trước U23 Brunei - khi Quang Hải ngồi ngoài, U23 Việt Nam ghi 3 bàn vào lưới đối thủ. 2 pha lập công trong số đó là những tình huống lật cánh đánh đầu.
45 phút còn lại, sau thời điểm Quang Hải vào sân, U23 Việt Nam ghi tiếp 3 bàn. Cả 3 pha lập công đều tới từ những tình huống bóng ngắn, sệt. Quang Hải góp dấu giày trong cả 3 bàn thắng ấy.
Đó là hai khuôn mặt của U23 Việt Nam khi có và không có Quả bóng vàng Việt Nam 2018 trong đội hình. Tiền vệ sinh năm 1997 vừa là vũ khí mạnh nhất, cũng đồng thời là điểm yếu lớn nhất trong đội hình của HLV Park Hang-seo.
Trước U23 Brunei bị đánh giá yếu nhất bảng, đoàn quân của HLV Park Hang-seo đã thể hiện hai bộ mặt hoàn toàn khác trong hai hiệp đấu.
Trước Brunei ở hiệp một, với đội hình phần lớn là các tân binh, U23 Việt Nam đã triển khai một lối chơi rất khác với thường nhật. Các học trò của HLV Park Hang-seo tạt bóng liên tục, từ nhiều vị trí và cự ly khác nhau. Đoàn Văn Hậu, Đỗ Thanh Thịnh, Triệu Việt Hưng, Trương Văn Thái Quý đều ít nhiều tham gia vào các tình huống tạt bóng, hướng tới hai cái đầu của Hà Đức Chinh và Nguyễn Hoàng Đức ở phía trong.
Lối chơi ấy đã phát huy hiệu quả trước một U23 Brunei quá yếu về năng lực cá nhân cũng như tổ chức tập thể. Đức Chinh đánh đầu mở tỷ số sau đường chuyền của Thanh Thịnh, còn Thành Chung và Thanh Bình đá bồi thành bàn sau những pha nhồi biên liên tục.
Sang hiệp hai, khi Quang Hải vào sân, tình thế lập tức thay đổi. Hải “Con” đi bóng đột phá trước khi kiến tạo cho Việt Hưng ở bàn thứ 4. Anh trực tiếp mang về quả phạt đền trong bàn thứ 5 trước khi ghi bàn cho riêng mình cũng từ chấm 11 m ở bàn thứ 6.
45 phút có mặt trên sân, Quang Hải ghi 1 bàn, kiến tạo 1 bàn, mang về quả phạt đền dẫn tới bàn còn lại.
Trong đó, bàn thắng ở phút 60 cho thấy đẳng cấp cực cao của Hải “Con”. Anh nhận bóng trong thế quay lưng ở sát vạch 16m50, khống chế bóng như có cao su dính vào bàn chân, quay người, đi bóng khi trước sau đang có 4 cầu thủ đối phương. Giữa vùng không gian cực kỳ chật hẹp, Quang Hải vẫn vượt qua 2 người trước khi chuyền bóng như đặt vào chân thuận cho Việt Hưng ghi bàn thứ 4.
Ca ngợi Quang Hải là điều đương nhiên. Với Cầu thủ hay nhất AFF Cup 2018, người đã rực sáng ở AFF Cup và Asian Cup, hàng thủ của U23 Brunei rõ ràng không phải là đối thủ.
Nhưng sự khác nhau giữa U23 Việt Nam khi có và không có Quang Hải mới thực sự là vấn đề.
Vì sao U23 Việt Nam phải chơi bóng bổng?
Nhưng vì sao U23 Việt Nam phải liên tục chơi bóng bổng trước Brunei? Vì sao trước đối thủ yếu gần nhất châu Á, đoàn quân của HLV Park Hang-seo không thể thi triển lối chơi nhỏ, ngắn quen thuộc?
Bởi vì ông Park không còn trong tay những cầu thủ có thể làm điều đó. Cầu thủ xuyên phá tốt nhất đội hình xuất phát U23 Việt Nam hôm qua là Đoàn Văn Hậu đã được chuyển xuống đá trung vệ. Hai cánh của U23 Việt Nam đêm qua do Hồ Tấn Tài (phải) và Đỗ Thanh Thịnh (trái) phụ trách. So với những Vũ Văn Thanh, Phạm Xuân Mạnh hay Nguyễn Trọng Hoàng, họ quá non nớt và đương nhiên có khoảng cách rất lớn về trình độ.
Ở tuyến trên, tình hình cũng không khác, Triệu Việt Hưng và Trương Văn Thái Quý đều còn kém các phương án ở Thường Châu khá xa. Hoàng Đức có lẽ là cầu thủ “mềm mại” nhất trên hàng công nhưng đòi anh phải chơi bóng như Nguyễn Công Phượng hay Phan Văn Đức trước kia là điều không tưởng.
Những cầu thủ “cây kim”, đó là điều U23 Việt Nam đang thiếu. Việc Văn Đức, Công Phượng không còn góp mặt khiến U23 Việt Nam không còn những hộ công đẳng cấp. Đội bóng không còn những người có thể len lỏi vào khoảng trống giữa hàng thủ và tuyến tiền vệ, tận dụng nó, luân chuyển bóng cho tuyến trên. Quang Hải là cầu thủ U23 Việt Nam duy nhất còn lại đủ khả năng chơi như vậy.
Do không có khả năng xuyên phá trung lộ, U23 Việt Nam buộc phải dồn bóng về hai cánh. Nhưng đó cũng là những đường chuyền bổng chứ không phải các pha căng ngang sệt như đội tuyển Việt Nam từng thi triển ở Asian Cup.
Cách biệt quá lớn về lực lượng giữa U23 Việt Nam hiện tại và các lứa đàn anh khiến ông Park không thể áp dụng lối chơi cũ từng mang tới thành công vang dội. Chia sẻ với báo giới sau trận, ông thầy người Hàn Quốc thừa nhận: “Khi ta xuống cánh, các cầu thủ chạy biên thường tạt bổng hoặc sệt vào trong. Còn hôm nay, ta thường chỉ tạt bổng. Tôi không muốn tạt bổng nhiều và tôi nghĩ các cầu thủ cũng không thích như thế. Lối chơi hiệu quả nhất của ta vẫn là ngắn, tận dụng tính cơ động và sự sắc nhọn”.
Đương nhiên, thích là một chuyện, làm được là chuyện khác. Chúng ta đã thấy hai hình ảnh U23 Việt Nam trái ngược như thế nào với chỉ một cầu thủ “cây kim” Quang Hải.
Nhưng một mình Quang Hải có là đủ? Tiền vệ sáng tạo của CLB Hà Nội đã khiến cả hàng thủ U23 Brunei náo loạn nhưng trước mặt anh, những đối thủ kế tiếp là Thái Lan và Indonesia. Nếu HLV của U23 Brunei chỉ cần 45 phút để “ấn tượng nhất với cầu thủ mang áo số 19”, Thái Lan và Indonesia chắc chắn sẽ lưu ý Quang Hải.
Quang Hải xuất chúng nhưng một mình anh sẽ khó lòng đối đầu với dàn tinh binh của U23 Thái Lan - đội thậm chí còn gây ấn tượng mạnh hơn Việt Nam khi hủy diệt U23 Indonesia 4-0.
Tìm ra phương án hỗ trợ Quang Hải. Đó sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của HLV Park Hang-seo trước hai cuộc đối đầu quyết định với Indonesia và Thái Lan.
Những điểm sáng của U23 Việt Nam trước Brunei
- Thắng lợi 6-0 trong ngày mở màn giúp U23 Việt Nam tạm đứng đầu bảng. Hiệu số bàn thắng bại có thể ảnh hưởng lớn tới cục diện bảng xếp hạng nhất là khi đội hạng nhì cũng sở hữu cơ hội đi tiếp.
- Khi U23 Việt Nam khởi động trước trận, người ta vẫn thấy bộ ba trung vệ Tấn Sinh - Thành Chung - Văn Hậu (từ phải qua trái) tập đi tập lại bài đứng vị trí. Với quá nhiều sự thay đổi, bộ ba trung vệ không bị thủng lưới, không mắc sai lầm là một tin vui cho ông Park dù thử thách thực sự vẫn đang chờ U23 Việt Nam ở phía trước.
- Hà Đức Chinh ghi một bàn, volley chạm cột một lần giúp người hâm mộ tạm quên đi mối lo ở vị trí tiền đạo cắm. Không còn Tiến Linh vì chấn thương, Thanh Bình chưa có nhiều kinh nghiệm, đây là cơ hội cho Đức Chinh khẳng định mình, là cơ hội để HLV Park Hang-seo chứng minh niềm tin của ông không đặt sai vị trí.