Quang Dũng kể trong "Ký ức Sài Gòn", năm 20 tuổi, anh đã có một quyết định quan trọng trong cuộc đời của mình đó là vào Sài Gòn. Từ lúc đi cho đến lúc về thăm nhà lần đầu tiên là 4 năm. Trong 4 năm sống một mình nơi đất khách, không có người thân, không có bạn bè, Quang Dũng đã không ít lần cảm thấy tủi thân và hoang mang vì chưa thích nghi được với cuộc sống ở Sài Gòn. Anh thuê nhà ở cùng sinh viên, ăn cơm tháng cùng với họ.
Cuộc sống lúc đó còn khá lênh đênh, anh không ở cố định một chỗ mà thay đổi liên tục khi ở quận 11, khi Tân Bình, khi thì Bình Thạnh. Những lúc buồn, anh thường xách xe chạy lang thang suốt đêm ở Sài Gòn. Anh nhớ có những chiều 30 Tết, Sài Gòn vắng vẻ vì ai nấy cũng đã về quê sum họp cùng gia đình, riêng anh vẫn phải ở lại. Những lần như vậy, anh lại xách xe chạy lòng vòng Sài Gòn, có khi đang chạy thì vội tấp vào lề đường và bật khóc. Anh nói, đó là kỷ niệm mà anh không bao giờ quên được trong cuộc đời mình.
Để có thể theo đuổi con đường ca hátchuyên nghiệp ở Sài Gòn, ban đêm, Quang Dũng đi hát ở phòng trà, vũ trường, ban ngày đi học thêm thanh nhạc. Anh cho hay, thường khi hát ở vũ trường, mỗi ca sĩ sẽ hát 4 bài theo nhiều điệu khác nhau. Điều đó giúp anh mở rộng vốn bài hát và cách hát. Anh đã học hỏi, rèn luyện cách hát và mọi thứ từ vũ trường.
Anh cho biết, thuở ấy, giá 1 tô phở ở Sài Gòn là 5.000 đồng, cát-xê đi hát 1 show của anh là 15.000 đồng (3 tô phở). Tiền đi hát anh để dành trong ống heo và để trang trải cho tiền nhà, xăng xe, còn dư bao nhiêu anh mới dám xài.
Tuy hát phòng trà có thể giúp Quang Dũng trang trải được cuộc sống nhưng theo anh, một người ca sĩ trẻ cần phải bước ra sân khấu lớn. Anh nói đó cũng là khó khăn lớn bởi vì lúc đó, anh đã quá quen với cách hát ở phòng trà. Khi hát ở sân khấu lớn như 126 Trống Đồng, khán giả có khi lên đến cả 3.000 - 4.000 người nên anh rất áp lực. Tuy nhiên, anh đã vượt thử thách đó và chính thức được khán giả chú ý và biết đến rộng rãi sau đúng 4 năm từ quê nhà lên Sài Gòn.
Cũng trong chương trình, ca sĩ Quang Dũng đã nhắc về mối duyên của anh cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc.
Bước ngoặt gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Theo anh, điều hạnh phúc nhất của mình là được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và được ông hướng dẫn, chỉ dạy cách hát các tác phẩm của ông. Anh kể, anh gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại phòng trà của em gái nhạc sĩ. Lúc đó, anh đang hát một ca khúc nhạc Trịnh thì có người thông báo là có nhạc sĩ đang ngồi bên dưới.
Sau hơn 20 năm ca hát, Quang Dũng nói điều làm anh hạnh phúc nhất đến giờ này đó là vẫn còn giữ được sự yêu mến và ủng hộ của những khán giả thời kỳ đầu.