Quan trọng là ý thức của người dân

(Baonghean) - Tỉnh lộ 535 từ Vinh đi Cửa Hội đi qua xã Nghi Thái (Nghi Lộc - Nghệ An) khu vực phía trên - dưới cầu Cao (người dân nơi đây còn gọi là cầu Lăng) chủ yếu là người dân xã Nghi Thái và một số hộ thuộc xã Nghi Phong sinh sống và kinh doanh 2 bên đường. Ngoài ra còn có những chỗ là đồng ruộng, không người ở, lại không có đèn đường nên rác thải đã được “tập kết” cả khu vực dài hơn 100 mét.
 
Rác... đến từ mọi nơi
 
Từ giữa năm 2009, lúc đầu chỉ là vài túi rác do những người thiếu trách nhiệm vứt ra ven đường, sau đó, người dân khu vực lân cận đã biến nó thành điểm vứt rác. “Hầu như đêm nào cũng có người đổ trộm. Ngay cả vùng Phúc - Thọ cũng qua để “gửi” rác nơi đây. Mỗi ngày một ít chất thành đống gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, mỹ quan. Xóm đã nhiều lần cho thu gom nhưng không xuể”- Anh Nguyễn Văn Thắng - Xóm trưởng xóm Thái Thịnh (Nghi Thái) cho biết.
 
Khi được hỏi về những đống rác bên đường, bà Liên (xóm 22 xã Nghi Phong) nói: Cứ chỗ nào không có nhà ở là thấy rác. Rác nhiều, bao ni lông, túi nhựa theo gió bay xuống làm ảnh hưởng đến việc trồng trọt ở những thửa ruộng sát đường.
 
Trong khi rác không được thu dọn sạch, thì túi rác vẫn thường xuyên được ném xuống đoạn đường này, bất chấp các biển cấm. Việc phục bắt người đổ rác trộm rất khó khăn vì chủ yếu vào ban đêm, không có quy luật nào. Thậm chí nhiều người đi qua ném bao rác rồi chạy thẳng. Nếu bắt được cũng chỉ giải quyết bằng cách phải thu dọn chỗ rác đó, còn đâu là chế tài xử phạt nghiêm thì vẫn chưa có.

Quan trọng là ý thức của người dân ảnh 1

Rác trải dài cả 2 bên cầu Cao (còn gọi là cầu Lăng).

Quan trọng là ý thức của người dân ảnh 2

Do không thu gom kịp nên rác trôi xuống ruộng.

 

Chia đất... dọn rác

 

Một trong những lý do khiến rác tồn đọng ở khu vực này còn do đùn đẩy trách nhiệm giữa 2 xã. Trước tình trạng đó, vào tháng 10 năm 2010, huyện Nghi Lộc đã có buổi làm việc với 2 xã Nghi Thái và Nghi Phong. Từ thực tế địa giới cũng như trách nhiệm chung về vệ sinh môi trường, huyện đã chia ranh giới để quản lý thu gom rác cho 2 xã. Theo đó, xã Nghi Thái phụ trách phía đông, xã Nghi Phong phụ trách phía tây đoạn đường này.

 

Theo ông Nguyễn Đình Lương - Phó chủ tịch UBND xã Nghi Phong, mặc dù 2 bên đường chủ yếu là đất và người dân Nghi Thái ở, nhưng được sự phân công của huyện, xã đã họp và giao cho Hội phụ nữ quản lý. Tuy vậy, việc thu dọn rác ở mặt đường Vinh - Cửa Hội nói riêng, cả xã nói chung còn nhiều khó khăn do nguồn kinh phí cho vệ sinh môi trường của xã rất hạn hẹp. Phí môi trường là 5000 đồng/khẩu/năm. 2 xã Nghi Thái và Nghi Phong vì lượng rác nhiều nên được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/năm. Còn lại do ngân sách xã chi trả để thuê xe của Công ty Môi trường thành phố Vinh chuyên chở.

 

“Xã cũng cho cắm 4 biến “cấm đổ rác” ở những chỗ bị đổ rác nhiều nhưng không có hiệu quả. Hội phụ nữ xã lập tổ thu gom gồm 3 người, mỗi tuần đi dọn rác một lần vào cuối tuần. Ngoài ra, xã cùng với huyện đã tổ chức ra quân 3 đợt dọn vệ sinh cả 2 bên đường, nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể, vì hôm nay dọn xong, sáng mai ra đã thấy rác khắp nơi rồi...”- Chị Phạm Thị Thắng - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ, phụ trách môi trường xã Nghi Phong cho biết.

 

Về kinh phí và sự phân công quản lý, Anh Lê Hải Đàn - Trưởng phòng tài nguyên - môi trường xã cho biết: Lúc đầu xã thuê 1 người 300 ngàn đồng/tháng để thu dọn dọc đoạn đường trên, sau đó bổ sung thêm 1 người nữa. Xã cũng giao cho Hội phụ nữ phụ trách về môi trường, như tổ chức thu gom về bãi rác xã, thuê xe môi trường chở đi... Về đống rác ở cầu Cao, khi nào rác ở bãi tập kết của xã nhiều, mới thuê xe môi trường đến thu dọn một lần.

 

Khi được hỏi tại sao không xây nơi đổ rác để tránh tình trạng rác vung vãi ra đường, xuống đồng? anh Đàn cho biết xây ngay cạnh đường là không được nhưng nếu lùi sâu vào trong thì cũng chẳng ai vào đó đổ rác mà vẫn đổ dọc đường.

 

Điều đáng chú ý là do phân chia khu vực quản lý môi trường, tình trạng rác bên này đường “chạy” sang bên kia là điều không tránh khỏi. Việc tuy không lớn nhưng lâu dần dễ gây khúc mắc cho cả 2 xã. Ngoài ra, do 1 tuần (thậm chí lâu hơn) mới tổ chức thu gom một lần dẫn đến việc rác tồn nhiều gây ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh.

 

Đường Vinh - Cửa Hội cùng với đường Vinh - Cửa Lò, đường ven sông Lam tạo thành những tuyến đường du lịch nối thành phố Vinh và bãi biển Cửa Lò. Những đống rác tự phát ở đoạn cầu Cao nói riêng, trên cả tuyến đường nói chung đang làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới du lịch trong thời gian tới. Vậy nhưng cả 2 xã Nghi Phong và Nghi Thái vẫn không tìm ra được biện pháp để xóa bỏ các đống rác tự phát, tạo nên môi trường trong sạch cho đoạn đường này.

 

Trao đổi với những người có trách nhiệm ở cả 2 xã, chúng tôi được nghe nhiều đề nghị như: lắp đèn chiếu sáng đoạn đường này, tăng cường lực lượng tuần tra, ra quy định xử phạt hành chính, phân công quản lý cả đoạn đường luân phiên 6 tháng hoặc 1 năm, tuyên truyền tới từng hộ dân để giữ gìn vệ sinh chung... Tuy nhiên, do kinh phí khó khăn, sự phối hợp giữa 2 xã chưa thật sự nhuần nhuyễn nên để làm được là điều không đơn giản. Do đó, để đảm bảo môi trường chung, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đổ rác đúng nơi quy định.

Nguyễn Quân

Tin mới