(Baonghean) - Báo Nghệ An số ra ngày 29/10/2014 có bài “Quan tâm phát triển cây lâm nghiệp bản địa” của tác giả Nguyễn Thị Hà phân tích (qua so sánh) hiệu quả của rừng trồng cây lâm nghiệp bản địa (cây có chu kỳ sản xuất dài hơn) so với cây lâm nghiệp mới (cây nguyên liệu giấy, gỗ dăm, trụ mỏ…) về các mặt: Hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường, hiệu quả bền vững. Sau khi đánh giá hiệu quả tổng hợp của cây bản địa, tác giả đề xuất 5 vấn đề với chính quyền, với ngành Nông nghiệp & PTNT và các ngành liên quan. Cả 5 vấn đề này đều đúng, nhưng có thể là chưa có tính khả thi cao. Chúng tôi xin được trao đổi thêm như sau:

TIN LIÊN QUAN
Đề xuất thứ nhất: Công tác quy hoạch, kế hoạch bài báo đưa ra giải pháp dành một phần diện tích rừng sản xuất để trồng cây bản địa, cây gỗ lớn. Từ quy hoạch đó mà xây dựng kế hoạch (nhiệm vụ, chỉ tiêu); tiếp đó cần nghiêm túc chỉ đạo thực hiện quy hoạch và kế hoạch đó. 

Theo chúng tôi, rừng nhiệt đới khác với rừng ôn đới ở 2 đặc điểm: rừng nhiều tầng và rừng hỗn giao, đều là có nhiều loại cây trên một diện tích đất rừng sống xen kẽ. Đây là một ưu thế lớn mà chúng ta cần và có thể tận dụng khi “thiết kế” (chứ không phải quy hoạch) những cánh rừng cụ thể ở một địa hình, một địa phương cụ thể. Cách thức “thiết kế” như sau: Trên một diện tích đất rừng cụ thể, căn cứ vào địa hình (chủ yếu là độ dốc lớn hay nhỏ) bố trí các dải cây rừng lâu năm (10 - 15 năm trở lên) xen kẽ các dải cây nguyên liệu (chu kỳ 6 - 7 năm). Ngay ở trong mỗi dải rừng cây lâu năm cũng không bố trí một loại cây mà có thể và nên trồng nhiều loại cây khác nhau theo kiểu hỗn giao.

Dưới tán rừng có thể trồng các loại cây ưa ánh sáng tán xa, đặc biệt là các cây dược liệu, nấm các loại... Trên diện tích vừa khai thác, trong vài ba năm đầu, khi cây chưa khép tán, phải tận dụng trồng các cây ngắn ngày như: dong riềng, gừng, nghệ, các cây họ đậu để vừa lấy ngắn nuôi dài, vừa chống xói mòn đất. Ở chân núi, chân đồi, gần các khe, suối, trồng cây lâm nghiệp phi gỗ như tre, nứa, mét, song, mây... Cao hơn là khai thác sâu hơn dưới tán rừng ở những nơi có thể tổ chức chăn nuôi gà thả vườn, các con vật có giá trị như lợn rừng (hoặc lợn rừng lai), nhím... “Thiết kế” những rừng sản xuất như trên hoàn toàn không giống khái niệm quy hoạch đơn thuần như ta triển khai lâu nay.

Lại rất cần hiểu “cây lâm nghiệp bản địa” theo hướng “mở” - “cây bản địa” không chỉ là cây ở vùng đó, xã đó, huyện đó, thậm chí là của tỉnh, mà còn là những cây ngoài tỉnh có điều kiện khí hậu tương đồng với tỉnh ta. Với quan niệm như vậy có thể mở rộng các giống cây lâm nghiệp bản địa, gỗ lâu năm có giá trị cao. Có thể đề nghị đưa các giống sau đây trồng ở diện tích cây gỗ lâu năm: cây xoan, cây gió bầu (trầm), cây sưa lòng đỏ. Gió bầu, sưa lòng đỏ 10 năm là cho thu hoạch và được trồng xen giữa các loại cây khác. 

Một quan niệm về quy hoạch và sau đó là kế hoạch để trồng rừng sản xuất theo kiểu quy hoạch vùng mía, vùng chè, vùng lúa, vùng ngô theo kiểu kế hoạch từ trên dội xuống buộc huyện, xã phải thực hiện là hoàn toàn không khả thi; bởi nó trái với đặc điểm của thiên nhiên, của rừng nhiệt đới và nhất là nó không tương thích với cơ chế thị trường. Nói như vậy, không có nghĩa là không cần có kế hoạch. Kế hoạch cần có, phải có, nhưng phải làm kế hoạch với quan niệm khác trước, với nội dung khác trước. Cụ thể là kế hoạch về các tiền đề, các điều kiện cần và đủ theo mong muốn về chỉ tiêu đề ra, và thời điểm cụ thể. Đó là nội dung kế hoạch về thị trường, vốn, về các dịch vụ kỹ thuật, công nghệ, hậu cần, vận tải. Có thể nói một cách chắc chắn rằng, cho dù đến nay, ở tỉnh ta chưa hề có một kế hoạch theo quan niệm và nội dung như thế.

Đề xuất thứ hai: Về chính sách.

Nhất thiết phải có những chính sách đúng và đủ mạnh để việc tổ chức (thiết kế) rừng sản xuất nói ở trên dần thành hiện thực. Đây không phải là việc của vài, ba năm, càng không chỉ là chính sách được hiểu như lâu nay: hỗ trợ. Đương nhiên các chính sách hỗ trợ như lâu nay cho cây nguyên liệu (giấy, gỗ dăm) có thể chuyển thành chính sách cho cây gỗ lâu năm - bản địa. Song như thế chưa đủ. Cần có chính sách căn cơ, lâu dài mới tạo được “cú hích” để chuyển làm rừng sản xuất như hiện nay lên cách làm rừng sản xuất (hay rừng kinh tế) ở trình độ cao hơn. Có thể nêu ra đây mấy chính sách cần có: Chính sách tổ chức lại rừng sản xuất (hay rừng kinh tế) của tỉnh ta; chính sách cho các hoạt động dịch vụ với rừng sản xuất; chính sách thu hút đầu tư (đầu tư sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ); chính sách khoa học, kỹ thuật, công nghệ, chính sách đào tạo nguồn nhân lực… Các chính sách này trước hết tác động đến các hộ trồng rừng, nhưng quan trọng hơn là tác động đến các cơ quan quản lý, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp, các cơ quan và các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo. Để từ đây sẽ tác động trở lại với các hộ trồng rừng. Tất cả những chính sách ấy phải trở thành một hệ thống đồng bộ và nhất quán, nhằm hướng tới kết quả cuối cùng: Một cách tổ chức kinh tế rừng mang lại thu nhập cao hơn nhiều lần cho các hộ làm kinh tế rừng nói riêng và vực dậy cả miền Tây tỉnh ta nói chung.

Để xuất thứ ba: Về công tác tuyên truyền.

Cần khẳng định vai trò to lớn của công tác tuyên truyền qua tập huấn, qua truyền thông đại chúng. Song, lại rất cần khẳng định yếu tố quyết định nhất để người dân nghe theo, làm theo, đó là: Phải tạo ra được kiểu làm rừng mới, mà qua đó người làm rừng có thu nhập cao và ổn định để vượt nghèo rồi đi lên làm giàu. Không có cách tuyên truyền nào thiết thực và hiệu quả hơn thế.

Đề xuất thứ tư: Về công tác khuyến lâm, khuyến nông.

Cơ quan khuyến lâm chủ trì phối hợp với khuyến nông xây dựng mô hình rừng kinh tế (như đã nói ở đề xuất thứ nhất) với quy mô mỗi mô hình 1 đến 2 hoặc 3 ha;  mỗi huyện (miền núi) có thể có 1 hoặc 2 mô hình được “thiết kế” mang tính khoa học và đảm bảo hiệu quả kinh tế lâu dài (sau một chu kỳ sản xuất), hiệu quả môi trường, hiệu quả bảo tồn và phát triển nguồn gen quý… Kế đó, tổ chức lực lượng (từ nguồn cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, từ nguồn lao động tại chỗ) để thực hiện mô hình đã được thiết kế. Tiến hành việc chăm sóc, bảo vệ... để sau 5 - 7 năm bước đầu cho thu hoạch. Từ mô hình và hiệu quả bước đầu để vận động, thuyết phục chính quyền (xã, huyện) và người dân thu hẹp dần diện tích rừng nguyên liệu hiện có, tăng dần diện tích rừng kinh tế khai thác tổng hợp. Cũng từ thực tế xây dựng các mô hình ấy để có các dữ liệu tính toán về vốn đầu tư, về các dịch vụ phải có của nội dung và số liệu cụ thể về các chính sách cần ban hành về số lượng và chất lượng lao động cần thiết… Từ những tính toán nói trên để tham mưu đề xuất với Sở NN&PTNT, với UBND tỉnh hình thành một chủ trương mang tính đột phá đối với ngành Lâm nghiệp, cũng như đối với kinh tế miền Tây tỉnh ta. Và phải chăng cần có một đề tài nghiên cứu và thực nghiệm về mô hình này?

Đề xuất thứ 5: Về vai trò của các công ty lâm nghiệp.

Phải xác định các công ty lâm nghiệp là lực lượng xung kích, làm đầu tàu, đồng thời, là hạt nhân thu hút và liên kết với tất cả các hộ dân quanh công ty để thực hiện chủ trương này của doanh nghiệp kinh doanh rừng, các công ty có được các yếu tố ban đầu về đất, vốn, lao động, các phương tiện kỹ thuật… để ngay từ đầu tổ chức được mô hình mà với một số hộ dân khó có điều kiện như thế để làm. Sau khi thành công, các công ty sẽ “hút” các hộ dân xung quanh cùng làm như thế. Từ đó, đề nghị Sở NN&PTNT cùng các cơ quan khuyến lâm, khuyến nông làm việc với các công ty lâm nghiệp để bàn thảo vấn đề này, nhằm mở đường cho việc hoạch định và triển khai một chủ trương mới. Nói gì thì nói, trước hết từ Sở NN&PTNT, kế đến là các ngành liên quan (cả các cơ quan khoa học), sau đó là chính quyền các huyện, xã phải suy nghĩ lại (hay nói các khác là phải đổi mới tư duy) về kinh tế rừng. Không có sự đổi mới này thì sẽ chẳng có gì cả, ngoài những biện pháp, những chính sách mang tính thời vụ, mang tính tình thế, thậm chí mang tính hô hào, tính phong trào mà thôi.

Trương Công Anh