(Baonghean.vn) So với những năm 2005 trở về trước thì công tác dân số vùng giáo ở Nghệ An đã chuyển biến khá rõ nét. Đồng bào biết vận động nhau giảm sinh để phát triển kinh tế, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, trẻ em không còn phải bỏ học giữa chừng. Nhưng để duy trì được điều này cần có sự vào cuộc của các cấp uỷ đảng... đặc biệt là các chức sắc tôn giáo.



Trước năm 2002, bình quân số con ở trong một gia đình vùng giáo ở tỉnh Nghệ An thấp nhất là 4 đến 5 con. Cách đây 5 năm, trong chuyến công tác tại xã giáo toàn tòng Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), gặp gia đình chị Trần Thị Thuý ở xóm 3, chị Thuý mới bước sang tuổi 26 nhưng đã có 3 cháu và chị đang mang thai cháu thứ 4, bởi quan niệm "đông con sẽ nhiều của, có nhiều lao động tăng thu nhập cho gia đình".



Cấp phát thuốc và tư vấn chăm sóc sức khỏe tại Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu)



Nhưng 2 năm qua, công tácdân số vùng giáo ở xã này đã có sự chuyển biến khá rõ nét.Người dân tự nguyện chấp nhận các biện pháp tránh thai, tự nguyện tham gia các đợt chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Chi hội phụ nữ xã và cộng tác viên dân số luôn tận tuỵ truyền thông, vận động đến từng đối tượng, linh mục cùng vào cuộc và xã hàng năm trích ngân sách của địa phương cấp thuốc tránh thai miễn phí cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Không riêng gì xã Quỳnh Thanh, công tác dân số vùng giáo ở các địa phương trong tỉnh đều được các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.Hàng năm, ưu tiên mở chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho đồng bào vùng giáo một năm 2 đến 3 lần, chủ yếu tập trung truyền thông và cấp phát thuốctránh thai miễn phí.



Hiện Nghệ An có 14 huyện, thành thị (147 xã phường) có giáo dân, 83 xứ đạo; 348 nhà thờ. Tổng số giáo dân toàn tỉnh là 269.948 người, chiếm 9% dân số toàn tỉnh. Các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Thành phố Vinh có lượng giáo dân đông nhất.



Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Chi cục trưởng - Chi cục Dân số KHhGĐ tỉnh, cho biết: "Thời gian qua, công tác dân số vùng giáo đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền ở các cơ sở vùng giáo thực sự vào cuộc. Chính sách dân số - KHHGĐ đã được các chức sắc tôn giáo quan tâm, phần lớn giáo dân đã nắm bắt được nội dung cơ bản chính sách, pháp luật dân số và tự nguyện đăng ký cam kết thực hiện. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số có nhiều nỗ lực, tâm huyết với nghề và đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền triển khai các chương trình mục tiêu dân số vùng giáo có kết quả tốt, từ đó tỷ lệ sinh và sinh con thứ ba trở lên giảm nhiều so với trước...".



Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, công tác dân số vùng giáo đang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tư tưởng đồng bào giáo dân vẫn muốn sinh nhiều con. Hơn nữa, tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại chỉ mới đạt trên 50%, trong khi đó, quy định của giáo hội chỉ cho phép Giáo dân thực hiện các biện pháp tránh thai bằng phương pháp tự nhiên nên hiệu quả tránh thai còn thấp. Vì thế, mức sinh và số người sinh con thứ ba trở lên vẫn còn cao so với mức bình quân chung của tỉnh 1,5- 2 lần.



Khó khăn là vậy, nhưng phải thừa nhận rằng so với trước, công tác dân số vùng giáo đã có nhiều tiến bộ. Nhiều địa phương nhờ biết phối hợp các chức sắc, chức việc trong giáo hội, có nhiều chương trình mục tiêu, nhiều mô hình thiết thực, điển hình như: xã Diễn Hạnh (Diễn Châu); Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu); Hưng Trung (Hưng Nguyên); Nghi Phú (TP.Vinh)...

Thu Hương