(Baonghean) - 3 trụ cột mà đại biểu Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XII, đó là vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường.

Cụ thể: Một là, thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao. Hai là, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn. Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững. 

Đại biểu tham dự đại hội.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tổng thể cả giai đoạn 2011 - 2015, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp đã nỗ lực phấn đấu và đạt được mục tiêu là duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trò chuyện với Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Ảnh: Võ Văn Thành.

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đang bộc lộ những hạn chế. Đó là quá trình phát triển sản xuất còn kém bền vững, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh và diễn biến bất lợi của thị trường trong và ngoài nước. Chất lượng, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của nhiều loại nông sản còn thấp, hiệu quả chưa cao; đổi mới tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm, hiệu quả chưa ổn định; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém và cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

6 nguy cơ ảnh hưởng đến nông dân, nông thôn

Sau 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vị trí, vai trò của người nông dân, giai cấp nông dân được nâng cao, đặc biệt những thành tựu trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thể hiện rõ: đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; cung cấp đủ và vượt lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong nước; đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu xếp thứ hạng cao trên thế giới... Thực tiễn nhiều năm qua đã chứng minh rằng: nông dân, nông nghiệp, nông thôn đã trở thành "trụ đỡ" của kinh tế - xã hội Việt Nam trong mọi giai đoạn và kể cả thời điểm khó khăn nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bài tham luận của đại biểu Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thẳng thắn nêu 6 nguy cơ đang ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò, vi trí của người nông dân; trong đó về địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình CNH - HĐH và đô thị hóa: "Không ít bộ, ngành, địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là "sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp", nên việc đầu tư xã hội phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% của những năm 1989 - 1990 xuống còn 14,2% những năm 2005 - 2010 và chỉ còn 6,12 đến 6,06% những năm 2012 - 2014"...; "Về văn hóa - xã hội, nông dân đang mất dần năng lực sáng tạo văn hóa, bị cuốn theo lợi ích vật chất. Lối sống thực dụng " đèn nhà ai nấy rạng", " sống chết mặc bay", đi theo lợi ích trước mắt mà buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng...; “Văn hóa truyền thống”, “tình làng, nghĩa xóm" bị suy giảm. Một bộ phận nông dân trẻ có lối sống đua đòi, hưởng thụ cao hơn lao động, xa dần văn hóa, nghệ thuật dân gian, lịch sử dân tộc và luôn mong muốn từ bỏ nguồn gốc " nông dân" của mình... 

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới

Để thực hiện tốt mục tiêu CNH- HĐH nông nghiệp nông dân và nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7(khóa X) thì phải đẩy nhanh, mạnh việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống của nông dân. Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu lên 6 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh: "Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu...".

Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đề xuất: Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành, hàng sản xuất theo thế mạnh của từng vùng miền, địa phương và đặc điểm đất, sinh thái cây trồng vật nuôi gắn với phát triển công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ cho phù hợp. Nhà nước thống nhất theo quy hoạch, kế hoạch. Giải quyết khó khăn, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng 3 biện pháp mạnh, có tính đột phá: Khoa học kỹ thuật; An toàn vệ sinh thực phẩm và cung cấp thông tin thị trường, giá cả; gắn liền với mở rộng, phát triển thị trường tiềm năng có giá trị sinh lời cao. 

Trong tham luận về vấn đề "Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững " qua thực tiễn tại địa phương của đại biểu Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nêu yêu cầu: "Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng. Do vậy, cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng đa ngành gồm: Tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng theo quy hoạch; thu hút các nguồn lực đầu tư để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Chủ động lựa chọn, áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch.

Hữu Nghĩa - Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN