(Baonghean) - Theo Cục Y tế dự phòng, ngộ độc thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và tai nạn giao thông. Bên cạnh việc nông dân coi nhẹ sự nguy hiểm của thuốc BVTV đối với sức khoẻ con người thì vấn đề quản lý kinh doanh thuốc BTTV của cơ quan chức năng còn nhiều bất câp.
Thuốc BVTV - "Con dao hai lưỡi"
Bà Bùi Thị Thúy Hồng (Diễn Liên- Diễn Châu) hồn nhiên cho biết: "Mỗi khi lúa bị sâu bệnh, tui lại đến cửa hàng bán thuốc BTTV, nói với họ là lúa bị loại sâu chi, người ta bán cho loại thuốc mô thì lấy thuốc đó, nếu sâu nhiều thì pha thuốc cho nhiều để sâu nhanh chết".
Đó là tình trạng chung rất đáng ngại ở các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta hiện nay. Trưởng phòng BVTV (Chi cục BVTV tỉnh)- ông Trịnh Thạch Lam, cho biết: Dù cán bộ BVTV đã có nhiều cố gắng trong khuyến cáo bà con về sử dụng thuốc BVTV an toàn, nhưng ở hầu hết các địa phương đang phổ biến tình trạng người dân sử dụng thuốc BVTV không đúng cách. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, giảm hiệu quả sử dụng thuốc mà còn trực tiếp tác động xấu đến sức khỏe người sử dụng và cộng đồng.
Bà con nông dân chưa quan tâm bảo vệ sức khỏe khi sử dụng thuốc BVTV.
Theo khuyến cáo, để phát huy tốt nhất hiệu quả của thuốc BVTV, đảm bảo sức khỏe, an toàn người sử dụng, việc phun thuốc BVTV nhất thiết phải đảm bảo nguyên tắc "4 đúng": Đúng loại, đúng liều lượng, đúng phương pháp và đặc biệt là đúng thời điểm phun. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các khuyến cáo này không được người dân thực hiện một cách nghiêm túc. Phun đúng thuốc là yêu cầu có tính "tiên quyết" để đạt được hiệu quả của việc phun thuốc, người dân phải biết đối tượng sâu bệnh cần diệt trừ để lựa chọn loại thuốc có tính đặc trị đối tượng đó, có như vậy mới đạt hiệu quả cao, ít gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường và những loại thiên địch có lợi khác trên đồng ruộng. Thế nhưng trong thực tế, rất ít nông dân thực hiện đúng khuyến cáo này. Những lỗi phổ biến như, người dân "tiện thể" trộn thêm những loại thuốc kích thích khác theo "quảng cáo" của người bán hàng, có khi trong một bình phun có tới 3- 4 loại thuốc khác nhau. Đối với các loại thuốc đặc hiệu trừ sâu, bà con hầu hết phụ thuộc vào người bán thuốc mà không theo đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Bà Cao Thị Đào (Diễn Liên- Diễn Châu) cho biết: "Dù đã được tập huấn, nhưng ngoài bao bì thuốc BVTV toàn là chữ nước ngoài, lại nhiều loại quá, tui không thể nhớ được, loa phóng thanh của xã thông báo xong, tui cứ nhớ láng máng rồi ra đại lý nói lại, họ đưa thuốc chi mua thuốc đó".
Một lỗi phổ biến khác là người dân phun thuốc không đúng với khuyến cáo về liều lượng, nồng độ thuốc. Đa số pha lượng thuốc và lượng nước ít hơn so với yêu cầu, nhưng một số lại pha tăng lượng thuốc, nồng độ. Những lỗi này đều làm giảm hiệu quả phun trừ, làm sâu "nhờn" thuốc, ảnh hưởng rất xấu đến môi trường. Việc phun thuốc đúng cách, đúng lúc cũng hầu như không được bà con quan tâm. Giám đốc Sở NN và PTNT- ông Nguyễn Thọ Cảnh, lo ngại: "Tình trạng rất phổ biến là bà con chỉ phun trừ khi sâu bệnh đã gây hại nặng. Bên cạnh đó, nhiều người phun thuốc không đúng cách, không để ý đến phương thức gây hại của từng loại sâu bệnh để thuốc tiếp xúc được với sâu hại cư trú, do đó tác dụng rất thấp. Đó là chưa kể đến "đội ngũ" những người đi phun thuê, ý thức trách nhiệm kém".
Đặc biệt nguy hiểm là tình trạng người dân không thực hiện đúng vấn đề bảo hộ. Theo quy định, người phun thuốc phải có đủ áo mưa, găng tay, ủng, khẩu trang, kính và mũ. Nhưng thực tế, chỉ những người cẩn thận lắm mới có áo mưa và khẩu trang, do đó có thể hít phải hoặc bị thuốc trừ sâu bám dính vào cơ thể, ngay lập tức gây ngộ độc cấp tính, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nguy hiểm hơn, về lâu dài sẽ gây các bệnh khác, thậm chí ung thư.
Hiện nay trên thị trường có đến 3.146 sản phẩm thuốc BVTV trong danh mục. Với nhiều chủng loại sản phẩm như thế, người nông dân rất khó khăn để lựa chọn loại nào đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, theo khảo sát của ngành chức năng, chưa nông dân nào có sổ nhật ký đồng ruộng để ghi chép các thời kỳ sinh trưởng lúa, sử dụng phân bón và các loại thuốc BVTV đặc hiệu. Phần lớn bà con nghe thông báo phun thuốc của xã thì mang bình đi mua thuốc, đại lý bán thuốc gì thì mua thuốc đó về phun, phun không hiệu quả lại ra mua thuốc và phun lại.
Lỏng lẻo trong quản lý kinh doanh thuốc BVTV
Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Chi cục BVTV tỉnh)- ông Nguyễn Xuân Bình thẳng thắn thừa nhận: Công tác quản lý hoạt động kinh doanh thuốc BVTV ở tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn và còn nhiều bất cập. Số lượng các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này khá lớn, đầu thuốc trong danh mục cho phép rất nhiều, trong khi số cán bộ chuyên trách việc quản lý kinh doanh thuốc lại quá ít, nên hậu quả tất yếu là quản lý không xuể!
Theo thống kê của ngành BVTV, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có gần 600 đại lý được cấp giấy phép kinh doanh thuốc BVTV, chưa kể một số lượng không nhỏ "đại lý" kinh doanh theo "thời vụ", là "đối tượng" mà hiện các lực lượng chức năng chưa thể quản lý và giám sát nổi. Theo quy định, để được cấp giấy phép kinh doanh thuốc BVTV, người kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt như: Phải qua lớp đào tạo, có kho, quầy hàng, ốt kinh doanh đủ điều kiện, nằm xa khu vực đông dân cư, nguồn nước. Thế nhưng thực tế, các đại lý bán thuốc BVTV hầu hết đều nằm trong khu dân cư, tiềm ẩn những tác hại đến môi trường và sức khỏe con người.
Theo báo cáo của Chi cục BVTV tỉnh Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm nay, trong 229 tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV được thanh kiểm tra, thì có tới 99 đơn vị có vi phạm, trong đó 86 tổ chức, cá nhân bị phạt cảnh cáo và đình chỉ kinh doanh do các lỗi vi phạm như không có chứng chỉ hành nghề, vi phạm về tem, nhãn mác v.v. Đáng lo ngại, có đến 15 loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã quá hạn sử dụng. Những loại thuốc này xuất hiện phổ biến ở những hộ dân lấy thuốc về bán 'thời vụ", người bán không có kiến thức, không đọc được hết tên thuốc và thậm chí bán nhầm thuốc.
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An- ông Nguyễn Văn Lập cho biết: Qua các đợt kiểm tra, vẫn còn tồn tại tình trạng người dân "bán kèm" thuốc BVTV ở sạp hàng tạp hóa ở chợ hoặc ở các đại lý bán thuốc thú y. Thực trạng này, ngoài trách nhiệm của ngành BVTV, còn đòi hỏi sự quản lý sát sao của chính quyền địa phương cơ sở, cùng công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân nên mua thuốc đúng theo khuyến cáo và ở các đại lý đã được cấp giấy phép, có hiểu biết để tư vấn đúng loại thuốc cần dùng. Ông Nguyễn Xuân Bình thừa nhận: "Qua các đợt kiểm tra, lực lượng thanh tra đã tiến hành xử phạt đối với một số hộ bán thuốc trừ sâu kèm chung với thuốc thú y ở huyện Nam Đàn". Tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc kiểm tra, xử phạt này chỉ như "ném đá ao bèo", bởi với lực lượng quá mỏng, địa bàn rộng, việc "quán xuyến" hết những vi phạm nhỏ lẻ trong dân là điều cực kỳ khó khăn nếu không có sự phối hợp quản lý, giám sát sát sao của chính quyền địa phương từ cấp thôn xóm trở đi.
Để có thể chấm dứt tình trạng vi phạm các quy định trong quá trình kinh doanh thuốc BVTV, thiết nghĩ, cần có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên hơn nữa giữa ngành nông nghiệp và các ngành chức năng như quản lý thị trường, công an và chính quyền các địa phương.
Các chuyên gia ngành BVTV khuyến cáo, nông dân nên sử dụng cuốn sổ tay sử dụng thuốc BVTV, chọn nhà sản xuất uy tín, đại lý bán thuốc có uy tín và loại thuốc có chất lượng. Nếu bà con không điều tra kỹ hoặc không đem mẫu bệnh đến những nơi bán thuốc có uy tín, việc sử dụng thuốc sẽ không có tác dụng. |