(Baonghean.vn) - Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường Nghệ An đã kiểm tra 3.609 vụ; tổng số vụ xử lý 2.992 vụ; giá trị thu phạt ước tính hơn 5,2 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính 3,2 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 2 tỷ đồng.
Một số vi phạm chủ yếu là buôn lậu, hàng cấm (149 vụ, tổng giá trị thu phạt: 1.803.317.000 đồng); Vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ (46 vụ, tổng giá trị thu phạt 256 triệu đồng); Vi phạm về gian lận thương mại (763 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 617 triệu đồng); Các vi phạm khác trong kinh doanh (1.543 vụ, tổng giá trị thu phạt 1,478 tỷ đồng; Vi phạm VSATTP (490 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 1 tỷ đồng).
Điển hình như ngày 30/3/2017, Đội QLTT số 1 thuộc Chi cục QLTT Nghệ An nhận nguồn tin báo tại xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, xe tải mang BKS 74C - 023.87 đang bốc dỡ hàng hóa do Hà Minh Tiến (trú tại Thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) điều khiển.
Qua kiểm tra phát hiện 4.200 kg quả xoài nhập lậu không có hóa đơn chứng từ. Chi cục QLTT Nghệ An ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm nói trên theo quy định của pháp luật, trị giá ước tính 42 triệu đồng.
Ngày 17/4/2017, tại ven đường Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, đội QLTT số 4 thuộc Chi cục QLTT Nghệ An phát hiện 7.000 con gà, vịt 15 ngày tuổi không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đội tiến hành lập biên bản và làm thủ tục chuyển giao toàn bộ tang vật vi phạm cho Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu để xử lý theo quy định của pháp luật. Trị giá hàng vi phạm ước tính 140 triệu đồng.
Ngày 17/5/2017 Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT Nghệ An phối hợp với Trạm CSGT Diễn Châu - Công an Nghệ An kiểm tra xe ô tô vận tải hàng hóa BKS 34C 147.33 do ông Trương Ngọc Tuân điều khiển. Qua kiểm tra phát hiện trên xe có 1.050 cái súng nhựa đồ chơi trẻ em, 702 cái đồ chơi các loại do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ kèm theo. Đội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 38 triệu đồng.
Mặc dù các lực lượng đã vào cuộc kiểm tra kiểm soát thị trường song nhìn chung tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra trên thị trường, từ vùng sâu, vùng xa đến đô thị. Chưa triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các vụ việc lớn về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn. Số lượng vụ kiểm tra tuy lớn, nhưng chỉ dừng lại ở hình thức xử phạt vi phạm hành chính là chủ yếu, chưa có vụ việc lớn chuyển cho cơ quan điều tra để khởi tố hình sự.
Lý giải về bất cập này, lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác giám định chất lượng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, các trung tâm giám định ở xa, thời gian chờ kết quả giám định chất lượng để xác định hành vi vi phạm quá lâu ảnh hưởng đến công tác thiết lập hồ sơ xử lý.
Chi cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác đấu tranh chống hàng giả, nhất là đối với một số mặt hàng trọng điểm, thiết yếu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân./.
Việt Phương