(Baonghean) - Ngân sách là công cụ chính sách quan trọng nhất nhằm hoàn thành các mục tiêu quốc gia, bao gồm đảm bảo công bằng và bình đẳng trong phân bổ nguồn lực vì sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Bất cứ quốc gia nào khi nói tới Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) đều được xem là đạo luật gốc trong thể chế về quản lý tài chính công. Từ năm 2002 Luật NSNN Việt Nam ra đời và có hiệu lực thi hành vào năm 2004. Đảng, Nhà nước ta khẳng định Luật NSNN phải hướng tới việc nâng cao hiệu quả quá trình phân bổ, sử dụng và quản lý tài chính công, tạo động lực phát triển các nguồn lực tài chính trong xã hội để phục vụ có kết quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.

Cùng với nhiều điểm mới, tiến bộ Hiến pháp năm 2013 có 2 điều nói về ngân sách gồm Điều 55, Chương III và Khoản 4, Điều 70, Chương V. Trong đó, bổ sung một điều mới 55 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Điều 55 hiến định: Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật (Khoản 1). Ngân sách nhà nước gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định (Khoản 2). Và Khoản 3 quy định, đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam; trách nhiệm quản lý nhà nước là “bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia”.

Khoản 4, Điều 70, hiến định: Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Vì một đất nước, quốc gia phát triển bền vững, Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân của chúng ta luôn coi trọng việc quản lý ngân sách quốc gia nói chung và thu, chi ngân sách nói riêng. Thu, chi ngân sách đều phải thực hiện trên cơ sở pháp luật và bảo đảm hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Qua đó, 2 điều của Hiến pháp 2013 nêu liên quan đến ngân sách là cơ sở rất quan trọng để các ngành liên quan mà trực tiếp là ngành Thuế, Hải quan thực hiện tốt công tác quản lý thu thuế, thu ngân sách nhà nước và chống thất thu ngân sách, bảo đảm nguồn lực tài chính cho Trung ương và địa phương.

Luật NSNN được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 16/12/2002, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004. Bên cạnh thực thi luật góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh thì Luật NSNN còn hạn chế cần sửa đổi theo hướng phân cấp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, theo hiến định ngân sách. Theo một số chuyên gia tài chính, để đưa Hiến pháp đề cập về ngân sách vào cuộc sống, Nhà nước cần xây dựng lại hệ thống NSNN, khắc phục các cấp ngân sách lồng ghép trước đây, từng bước thực hiện ngân sách cấp nào do cấp đó quyết định theo luật. Để tạo quyền chủ động hơn cho địa phương trong phân bổ và quyết định ngân sách, nên chăng Quốc hội chỉ quyết định tổng chi NSNN, bao gồm chi ngân sách Trung ương và chi ngân sách địa phương.

Quyền tự chủ về thu ngân sách địa phương có thể thí điểm áp dụng cho phép chính quyền địa phương được tự quyết định thuế suất đối với một số loại thuế trong khung thuế suất (mức trần) do Trung ương quyết định. Các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, có thể quy định cụ thể tỷ lệ (%) phân chia tổng số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa, dịch vụ trong nước và thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất trong nước giữa ngân sách Trung ương và của các địa phương. Hay hiểu cách khác là phân chia nguồn thu ngân sách của 2 khoản thuế gián thu đồng đều trong phạm vi cả nước. Quyền tự chủ của địa phương trong các quyết định chi ngân sách cần mở rộng dựa trên nguyên tắc chi tiêu sẽ được thực hiện ở cấp chính quyền nào trực tiếp cung ứng dịch vụ công có hiệu quả nhất. Quy trình lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách theo hướng hiện đại, dựa vào kết quả đầu ra và áp dụng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn. Cuối cùng, để nâng cao hiệu quả quản lý NSNN, cần tăng cường tính minh bạch, công khai;  hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền phải thường xuyên và đột xuất nhằm nâng cao khả năng phòng, chống tham nhũng trên lĩnh vực này. 

Theo Luật NSNS và Nghị định 60/CP - 2003 hướng dẫn thi hành luật thì Ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, quan trọng của quốc gia như: các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có tác động đến cả nước hoặc nhiều địa phương, các chương trình, dự án quốc gia, các chính sách xã hội quan trọng, điều phối hoạt động kinh tế vĩ mô của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hỗ trợ những địa phương chưa cân đối được thu, chi ngân sách. Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong phạm vi quản lý.

Góp phần đưa Hiến pháp vào cuộc sống, khi phân bổ và giao dự toán chi sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính năm 2014, Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm kinh phí thực hiện những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động dành nguồn kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Đồng thời, bảo đảm yêu cầu chi tiêu ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, bảo đảm đủ nguồn tài chính để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Phan Nguyễn