Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó Tư lệnh Quân khu I, cho hay quân khu đã lập BCĐ tìm kiếm chiếc máy bay huấn luyện MiG-21U bị mất tích từ năm 1971 ở khu vực Tam Đảo.
“Thực hiện nhiệm vụ thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao, chúng tôi đã lập BCĐ tìm kiếm, triển khai công việc tới Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, huyện và các xã liên quan” - tướng Tường thông tin.
Nguồn tin từ Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên cũng xác nhận vấn đề này và cho biết Ban Chỉ huy quân sự huyện Đại Từ và các xã Mỹ Yên, Hoàng Nông sát chân núi Tam Đảo sẽ là lực lượng chủ chốt để phối hợp tìm kiếm.
Trước đó, ngày 30-4-1971, chiếc máy bay bị mất tích cùng với phi công hướng dẫn bay người Liên Xô cũ Poyarkov Yuri Nikolaevich - khi ấy 38 tuổi và học viên Việt Nam - phi công Cống Phương Thảo, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp đào tạo phi công ở Liên Xô về.
Trong điều kiện không quân Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc, Quân chủng Phòng không-Không quân lúc ấy đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm bằng trực thăng ở phần núi Tam Đảo thuộc địa phần huyện Đại Từ, Bắc Thái cũ, nay là Thái Nguyên, tuy nhiên không tìm ra manh mối nào, bao gồm cả xác máy bay cũng như tung tích phi công. Vì vậy, vụ việc này được xếp vào loại mất tích. Gia đình Cống Phương Thảo và Poyarkov được báo tin như vậy.
Manh mối của vụ mất tích bí ẩn này được lần ra bởi nhóm tìm kiếm của ông Lê Anh, một tiến sĩ toán học từng tu nghiệp ở ĐH danh tiếng Lomonosov, Liên Xô cũ, rồi có thời gian ngắn làm giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự.
Với lòng nhiệt tình cùng thông tin thu thập được qua Facebook và sự may mắn, hồi tháng 2 năm nay, ông Lê Anh cùng với người dân xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ leo lên một khu vực thuộc dãy Tam Đảo và tìm được một mảnh vỡ máy bay đặc biệt. Mảnh vỡ ấy đến nay được bộ phận chuyên môn của Quân chủng Phòng không-Không quân xác nhận là của chiếc MiG-21U mất tích.
Từ manh mối này, giữa tháng 3, Quân chủng Phòng không-Không quân đã tổ chức một cuộc tìm kiếm ngắn ở tọa độ mà nhóm Lê Anh cung cấp. “Hồi đó, chúng tôi có phối hợp nhưng vì thời gian ngắn, địa hình phức tạp nên chưa thể kết luận gì nhiều” - Thiếu tướng Tường cho biết.
Theo thông tin nắm được, dự kiến khi trời sang thu, khu vực Tam Đảo hướng Đại Từ, Thái Nguyên khô ráo thì Quân khu I sẽ tổ chức tìm kiếm trên thực địa. Còn hiện tại qua hệ thống cơ quan quân sự địa phương, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đã giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy quân sự huyện Đại Từ và triển khai xuống dân quân, tự vệ các xã liên quan, trong đó trọng tâm là xã Mỹ Đức và Hoàng Nông.
Đây là hai xã mà ở đó nhiều người dân sau năm 1975 đã lên núi, phát hiện một số vị trí có xác máy bay. Họ đã “xẻ thịt”, hạ sơn hầu hết số phế liệu chiến tranh này bán nhôm, thép vụn hoặc đúc nồi, thau… Vậy nên huyện Đại Từ và dân quân, tự vệ các xã đang vận động bà con nộp lại các mảnh vỡ đã thu lượm được (nếu còn) và cung cấp thông tin để BCĐ của Quân khu I phân tích, đánh giá.
Trong một sự trùng hợp, vào dịp ngày Thương binh, liệt sĩ năm nay, hôm 26-7, trên Nhat-nam.ru - diễn đàn tiếng Nga tập hợp nhiều cựu binh Liên Xô từng sang Việt Nam công tác thời chiến, xuất hiện lá thư của cháu ngoại người thầy dạy bay mất tích Poyarkov.
Theo đó, vợ, con gái của ông Poyarkov đều còn sống và rất quan tâm về thông tin, kết quả tìm kiếm liên quan đến người thân của mình. Cùng với nguyện vọng của người thân phi công Cống Phương Thảo (hiện sống ở Tây Hồ, Hà Nội) thì khả năng việc tìm kiếm trên thực địa sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ để có kết luận cuối cùng./.