(Baonghean) - Hôm 22/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại Nhà Trắng để bàn thảo một loạt vấn đề như ổn định chiến lược tại Nam Á, an ninh hạt nhân, Afghanistan,… Đây là cuộc gặp mà cả 2 bên đều mong đợi có thể cải thiện mối quan hệ, tăng cường và củng cố việc hợp tác giữa Washington và Islamabad.

Cuộc gặp được đánh giá là “công việc thường lệ” giữa 2 bên. Theo giới truyền thông, tại cuộc gặp lần này, ông Sharif đã thông báo cho Tổng thống Mỹ về thái độ cam kết của Pakistan đối với hòa bình, ổn định tại Afghanistan và cách thức mà quốc gia Nam Á đang tiến hành để đối phó với các tổ chức khủng bố hình thành ngay trong lãnh thổ của họ. Đổi lại, ông Obama cũng ghi nhận vai trò quan trọng của Pakistan trong khu vực và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ của Mỹ với đất nước này.
 
 
images1401007__nh_h__s__s__ki_n.jpgTổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif trong cuộc gặp tại phòng bầu dục, Nhà Trắng ở Washington hôm 22/10. Ảnh: Reuters.
Bên cạnh đó, Tổng thống Obama còn lên tiếng khen ngợi những thành quả của Pakistan trong công cuộc đấu tranh với các mạng lưới thánh chiến tại các khu vực phía Tây Bắc và ghi nhận những mất mát, hy sinh mà các lực lượng an ninh nước này đã phải hứng chịu. 
 
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp Obama-Sharif nói rằng 2 nhà lãnh đạo đã bàn thảo về một loạt chủ đề, trong đó bao gồm sự ổn định chiến lược tại Nam Á, an ninh hạt nhân, không phổ biến hạt nhân, Afghanistan, thương mại và đầu tư.
 
Một trong những điểm Mỹ và Pakistan có chung quan ngại và không thể thiếu trong chương trình nghị sự lần này là các đàm phán hòa bình ở Afghanistan. Thúc giục lực lượng Taliban quay trở lại các đàm phán hòa bình là nội dung được cả Obama và Sharif nhất trí đưa ra trong tuyên bố chung hôm 22/10: “Kêu gọi các nhà lãnh đạo Taliban tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Kabul và cùng nhau hướng đến một giải pháp hòa bình bền vững”.
 
Washington xem Pakistan là nước có tầm ảnh hưởng lớn với các phần tử Hồi giáo cực đoan, nhất là khi có đồn đoán rằng lãnh đạo mới của lực lượng Taliban có quan hệ mật thiết với giới chức an ninh Pakistan. Nhiều chuyên gia cho rằng sau làn sóng bạo lực mới gia tăng trở lại tại Afghanistan, vai trò của Pakistan nhằm hỗ trợ Chính phủ Afghanistan trong nỗ lực hòa giải với Taliban là hết sức cần thiết. Đây có lẽ là điều Mỹ hiểu rõ và muốn tận dụng.
 
Mặt khác, những chuyên gia lĩnh vực an ninh lại khẳng định Pakistan vẫn tiếp tục cung cấp sự ủng hộ về mặt quân sự và hậu cần cho các phần tử thánh chiến tại Afghanistan hòng gây bất ổn cho Chính phủ Tổng thống Ashraf Ghani.
 
Theo luồng ý kiến này, đợt nổi dậy mới đây của Taliban tại phía Bắc Afghanistan là bằng chứng cho thấy lực lượng này đang nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài. Hồi tháng trước, các binh sỹ Taliban đã tấn công và nhanh chóng giành quyền kiểm soát Kunduz - thành phố lớn thứ 5 Afghanistan và có vị trí chiến lược trọng yếu. Một vài nguồn tin quả quyết các chiến binh thánh chiến Pakistan đã kề vai sát cánh cùng lực lượng nổi dậy tại Kunduz và các khu vực khác ở miền Bắc đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
 
Tình hình tại Afghanistan khốc liệt đến mức Tổng thống Obama đã phải xem lại quyết định trước đó của mình về việc rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Afghanistan trước năm 2017. Hơn 5.000 binh sỹ Mỹ hiện sẽ ở lại để giúp đỡ các lực lượng an ninh Afghanistan trong thời gian không hạn định.
 
Nhận định về tình huống hiện nay, tờ DW dẫn lời một phóng viên kiêm tác giả của những cuốn sách viết về chủ nghĩa cực đoan tại Pakistan, cho rằng Mỹ đã quá ngây thơ khi mong đợi Islamabad ngưng sử dụng lực lượng thánh chiến làm phương tiện gia tăng ảnh hưởng tại nước láng giềng Afghanistan. Không những thế, Washington chưa gây đủ sức ép lên giới chức Pakistan để buộc họ phải xem xét lại các chính sách về Afghanistan.
 
Nói cách khác, chỉ riêng chính sách “củ cà rốt” để thuyết phục Islamabad như mong muốn của Mỹ thôi là chưa đủ. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người cho rằng ông Obama cần cân nhắc cẩn thận, và sử dụng “cây gậy”, tức những biện pháp trừng phạt về mặt quân sự và kinh tế đối với Pakistan khi cần thiết. Họ cho rằng một khi Mỹ tiếp tục duy trì dòng viện trợ đổ vào quốc gia Nam Á này, sẽ chẳng thể nào có được sự thay đổi trong đường hướng chính sách như Washington mong muốn.
 
Ngoài vấn đề Afghanistan, cho đến nay Washington vẫn luôn quan ngại về tính an toàn của kho vũ khí hạt nhân thuộc sở hữu của Pakistan. Sự lo lắng này của giới chức Mỹ không phải là thiếu căn cứ, nhất là khi ngày 27/8 vừa qua, Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế và Trung tâm Stimson đã công bố báo cáo cho biết Pakistan có khả năng sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới suốt 10 năm qua, với quy mô gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của láng giềng Ấn Độ và lớn hơn Anh, Trung Quốc và Pháp.
 
Thêm vào đó, Pakistan cũng từng có “tiền sử” phổ biến hạt nhân trong quá khứ. Nhiều người lo sợ số vũ khí này có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố Hồi giáo. Vì thế, chính quyền Obama muốn bảo đảo an ninh tốt hơn cho kho vũ khí và đưa ra hạn chế về mặt số lượng, song Pakistan lại viện cớ “mối đe dọa” từ Ấn Độ để thoái thác lời đề nghị. Kết thúc cuộc gặp, rõ ràng cả Washington và Islamabad đều hiểu rõ sự cần thiết của việc tất cả các bên phải cùng hành động để hướng tới sự ổn định chiến lược ở Nam Á. Nhất là với Tổng thống Obama, vấn đề hạt nhân của Pakistan là ưu tiên trong kế hoạch của ông trước khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm đầu năm 2017. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, thật khó có thể nói trước được điều gì lạc quan về khả năng kiềm tỏa hạt nhân của Pakistan.
 
 
Quan hệ Pakistan - Ấn Độ là một trong những nội dung được Mỹ quan tâm nhằm duy trì ổn định ở Nam Á. (Ảnh: Internet).
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng trong các đàm phán vừa qua tại Nhà Trắng là căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Pakistan và Ấn Độ, nhất là khi hôm 21/10 ông Sharif nói rằng có “bằng chứng” về các hành vi hỗ trợ khủng bố của Ấn Độ ngay trong lãnh thổ Pakistan.
 
Phía Mỹ đương nhiên muốn Islamabad quan tâm tới việc tiêu diệt các phần tử cực đoan trong nội bộ nước này, từ bỏ sử dụng lực lượng thánh chiến làm công cụ chính sách đối ngoại chứ không phải để xảy ra tình trạng leo thang căng thẳng với New Delhi. Nói gì thì nói, tình hình Ấn Độ - Pakistan cũng ít nhiều khiến Mỹ tỏ ra bận lòng, kể cả khi đó chỉ là đối sách ngoại giao khéo léo của ông Obama. 
 
Điều Mỹ quan tâm là một sự cân bằng quyền lực tại Nam Á, nơi Washington có chung lợi ích kinh tế với New Delhi và lợi ích quân sự với Islamabad. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ gây mất ổn định cho tình hình khu vực, và xung đột giữa 2 nước láng giềng này chắc chắn không đem lại lợi lộc gì cho Mỹ. Đó là lý do mà Mỹ quyết định đứng ra làm trung gian hòa giải, tối thiểu là nhằm duy trì nguyên trạng giữa 2 quốc gia.
 
Sau cuộc gặp ngày 22/10 vừa qua, một số người cho rằng Mỹ tiếp tục nhượng bộ khá nhiều đối với quốc gia Nam Á Pakistan, dù họ có thể không hoàn toàn là một đối tác đáng tin cậy của Washington. Dù sao đi nữa, mối quan hệ song phương này chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của Mỹ, khi quốc gia này vẫn đang xoay sở tính toán cách đưa mình thoát khỏi “thế khó” như hiện nay.
 
Thu Giang