(Baonghean) - Trung Quốc đã cử đoàn đại biểu cấp cao nhất tới Bình Nhưỡng kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền để tham dự cuộc diễu binh quy mô lớn nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Đây có thể xem là bước đi quan trọng của Trung Quốc và mở đường cho các cuộc trao đổi cấp cao hơn.

Không phải chuyến thăm của một nguyên thủ nhưng sự có mặt của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn tại Triều Tiên vào đúng dịp quốc gia này kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên khiến truyền thông thế giới hầu hết dõi theo.
 
Cơ bản, Trung Quốc và Triều Tiên vốn là những đồng minh thân cận, nhưng mối quan hệ này đã trở nên “lạnh nhạt” suốt 4 năm qua. Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011, chưa có một cuộc viếng thăm nào giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước được thực hiện. 
 
images1395018_quan_he_trung_trieu.jpgChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Một phần do Trung Quốc quan ngại về tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt là trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un không ngừng đẩy mạnh việc tăng cường, mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Trong một động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay, khi Triều Tiên dọa thử các vụ bắn lên lửa mới hồi tháng 9, Trung Quốc đã thẳng thừng lên tiếng yêu cầu Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp quốc đối với về các chương trình phóng thử tên lửa của nước này và sẽ chịu sự trừng phạt nếu vi phạm. 
 
Mặt khác, cả Trung Quốc và Triều Tiên dường như đang thiết lập một hình thái quan hệ khu vực kiểu mới. Triều Tiên cố gắng thực hiện chính sách “thoát Trung”, tìm đến những người bạn mới như Nga, Iran, còn Trung Quốc cũng không muốn tiếp tục “bao bọc” Triều Tiên mà cũng muốn cân bằng các mối quan hệ trong khu vực bằng cách tăng cường quan hệ với Hàn Quốc - “người láng giềng” khó chịu của Triều Tiên.
 
 
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn Hàn Quốc, chứ không phải đồng minh “ruột” Triều Tiên để thực hiện chuyến thăm chính thức sau khi ông lên nhậm chức càng khiến cho quan hệ hai nước trở nên xa cách. 
 
Trong bối cảnh quan hệ Trung - Triều có nhiều dấu hiệu rạn nứt như vậy, chuyến thăm của ông Lưu Vân Sơn thực sự đáng chú ý, đặc biệt ông Lưu là quan chức đầu tiên ở cấp Ủy viên Bộ Chính trị của Trung Quốc tới thăm Triều Tiên trong suốt 4 năm qua.
 
Xét về quyền lực, ông Lưu được xếp hàng thứ 5 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không chỉ dự lễ diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, ông Lưu Vân Sơn còn thăm chính thức nước này và có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng.
 
Giới quan sát nhận định, đây là một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với đồng minh và là cơ hội quan trọng để hai bên “đối thoại”. Nếu chuyến thăm và làm việc của ông Lưu tại Bình Nhưỡng lần này diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp, nó có thể mở đường cho các cuộc hội đàm Trung - Triều cấp cao hơn. 
 
Bối cảnh như vậy dường như cho thấy một tương lai ấm hơn trong mối quan hệ Trung - Triều, nhưng nhìn ở góc độ toàn cảnh sẽ thấy ít có khả năng có đột phá trong mối quan hệ này sau chuyến thăm của ông Lưu Vân Sơn. Thứ nhất, dù là một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới thăm Triều Tiên nhưng thực chất chỉ là hành động “đáp lễ”. Tháng trước, Triều Tiên cũng cử Tướng Choe Ryong-hae, Thư ký Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, tới Bắc Kinh tham dự lễ diễu binh nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm ngày chiến thắng. Việc trao đổi và gặp gỡ ở cấp độ như vậy không “xứng tầm” trong mối quan hệ giữa các đồng minh.
 
Nhiều nhà quan sát thận trọng cho rằng, trong tương lai gần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khó có chuyến thăm đến đối phương. Dường như không bên nào cho thấy sự nhún nhường thực hiện một cuộc gặp gỡ trước với bên kia. Điều quan trọng hơn là lòng tin giữa hai bên đã quá rạn nứt. Sau những bất đồng ngầm, giờ đây, Triều Tiên và Trung Quốc rất khó để khôi phục lại mối quan hệ như xưa. 
 
Những cuộc trao đổi và gặp gỡ giữa hai bên như thời gian qua chỉ như một sợi dây mỏng đủ để duy trì và gắn kết những lợi ích còn lại trong quan hệ Trung - Triều. Thực chất hai bên vẫn rất cần sự hỗ trợ của nhau. Trung Quốc vẫn cần Triều Tiên như một cửa ngõ quan trọng để duy trì ảnh hưởng ở bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Á. Còn Triều Tiên cũng không thể không dựa vào Trung Quốc ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh Mỹ và cộng đồng quốc tế liên tục gây sức ép, khiến nền kinh tế Triều Tiên ngày càng khó khăn. 
 
Chính những điểm này, khiến mối quan hệ Trung - Triều khó và không thể bị phá vỡ nhưng mức độ nồng ấm trở lại thì còn nhiều điều đáng hoài nghi.
 
Thanh Huyền