(Baonghean) - Ngày 12/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến thăm Nga và hội kiến Tổng thống Nga Putin. Trước đó, điện Kremlin cũng đã đón tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Phải chăng đây là những tín hiệu cho thấy việc hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên đang từng bước manh nha?

Cần lưu ý rằng: đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao của Mỹ đến Nga kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2013 và nhất là sau sự kiện lễ kỷ niệm 70 chiến thắng phát xít tại Quảng trường Đỏ vắng bóng các nhà lãnh đạo phương Tây. Vậy nên chuyến thăm của ông Kerry đến Nga cho thấy thiện chí của Mỹ trong việc cải thiện mối quan hệ giữa hai bên. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Tổng thống Nga Putin đã hội đàm trong 4 giờ liên tục về tình hình các điểm nóng: cuộc khủng hoảng Ukraine; xung đột tại Syria; nội chiến ở Yemen, Lybia... Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran và cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 kéo dài đến tháng 6… Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Nga Lavrov đã cùng đặt vòng hoa trước tượng đài các chiến sỹ Xô viết hy sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) được Tổng thống Nga Vladimir chào đón tại khu nhà riêng Bucharov Ruchei ở Sochi. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) được Tổng thống Nga Vladimir chào đón tại khu nhà riêng Bucharov Ruchei ở Sochi. Ảnh: AP

Sau cuộc hội đàm với những tín hiệu mang thiện chí xây dựng được phát đi, giới quan sát có quyền hy vọng rằng một chương mới có thể sẽ mở ra ở tương lai không xa trong mối quan hệ Nga - Mỹ. Bởi sau cuộc gặp gỡ này, Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry cho biết: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của Tổng thống Mỹ Obama đối với thiện chí muốn đàm phán của phía Nga. Trong thời điểm hiện tại, đối thoại song phương là việc cực kỳ quan trọng. Đó cũng là giải pháp duy nhất để cùng nhau giải quyết những vấn đề đang diễn biến nhanh và ngày càng phức tạp hiện nay”. Về phần mình, cả Tổng thống V.Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov đều hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry và đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm. Ông Lavrov cho biết, cuộc hội đàm lần này đã giúp hai bên tăng cường sự hiểu biết trong bối cảnh quan hệ hai nước rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy vậy, giới phân tích chính trị vẫn không loại trừ khả năng đó chỉ là những lời phát biểu mang nặng tính ngoại giao, hình thức. Bởi ngoài một số cuộc đối thoại trực tiếp và gián tiếp ra thì đến nay, cả 2 bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận nào mang tính đột phá hay tìm ra cách tiếp cận mới nhằm khỏa lấp các bất đồng trong quan điểm của hai bên. Có chăng chỉ là một chút thay đổi về cách nhìn nhận, đánh giá tình hình, ví dụ như khi đôi bên nhất trí rằng lộ trình hòa bình cho Ukraine ký kết tại Minsk (Belarus) hồi tháng Hai vừa qua là cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng, và đàm phán ngoại giao là con đường duy nhất tới hòa bình. Hay như một sự nhất trí hiếm hoi khá bất ngờ khi cả hai cùng “có chung suy nghĩ” trong vấn đề Ukraine. Đó là việc ông Kerry nói rằng, cần cảnh báo ông Poroshenko không nên gây thêm hành động thù địch nào – điều có thể đặt lệnh ngừng bắn vào tình thế “hiểm nghèo” - Nga đã lên tiếng cảnh báo về khả năng này ngay từ khi thỏa thuận Minsk còn chưa được ký kết.

Ngờ vực và hy vọng - có thể nói đó là “cảm xúc” của những người quan tâm theo dõi tình hình mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vào lúc này. Củng cố thêm niềm tin vào một sự tiến triển theo chiều hướng tốt lên là sự kiện Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Moscow vào ngày 10/5, tức chỉ 2 ngày trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ. Bà Merkel đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin và cùng chủ nhân Điện Kremlin tới đặt vòng hoa tại Tượng đài Chiến sĩ vô danh ở Quảng trường Đỏ. Rõ ràng đây là dấu hiệu cho thấy sự xuống thang của Đức và bà Merkel cũng đã phá vỡ cái gọi là “điều cấm kỵ” của giới lãnh đạo phương Tây. Những người đứng đầu các quốc gia châu Âu đã “đồng lòng” lảng tránh đến thăm Nga kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine hồi năm ngoái.

Kết lại, vẫn còn nhiều bất đồng chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều đối với mối quan hệ có truyền thống diễn biến phức tạp của Nga - Mỹ nói riêng và Nga - phương Tây nói chung. Nhận thức của các bên trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã có một chút tương đồng, nhưng chừng đó là chưa đủ để tạo nên sự đột phá. Hơn nữa việc Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục giữ lập trường áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng sẽ là hố sâu ngăn cách khó lấp đầy trong tương lai gần. Nhưng lập trường đó có giữ vững được lâu dài nữa không, khi mà Mỹ và Đức – hai quốc gia có tiếng nói gần như quan trọng nhất đều đã tìm đến, gõ cửa nước Nga bằng một thái độ có vẻ như đầy thiện chí. Nếu hành động đó xuất phát từ sự chân thành thì cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi lịch sử đã chứng minh một chân lý: chỉ khi có sự hợp tác thì mọi việc mới có thể giải quyết ổn thỏa nhất.

Cảnh Nam