Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cùng Thứ trưởng Quốc phòng Nikolay Pankov thăm khu huấn luyện quân sự Prudboi ở vùng Volgograd, Nga hồi tháng 6/2023. Ảnh: Sputnik

Cụ thể hơn, Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết một số chỉ huy quân sự Ukraine đang cân nhắc phương án tấn công các địa điểm phóng tên lửa bên trong nước Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp.

Ông Medvedev không nêu tên các chỉ huy cũng như không tiết lộ thêm chi tiết về kế hoạch nói trên. Hiện Ukraine cũng chưa đưa ra phản ứng ngay trước lời đe dọa của quan chức này.

Theo Reuters, ông Medvedev viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Điều này có nghĩa là gì? Nó chỉ có nghĩa là - họ mạo hiểm thực hiện hành động theo khoản 19 trong các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân. Cần phải nhớ điều này”.

Khoản 19 trong học thuyết hạt nhân năm 2020 của Nga vạch ra các điều kiện mà theo đó tổng thống Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân: nhìn chung là phản ứng trước một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc việc sử dụng vũ khí thông thường chống lại Nga "khi chính sự tồn vong của nhà nước bị đe dọa".

Ông Medvedev đã đề cập cụ thể đến điểm G trong khoản 19, có nội dung đề cập đến sự đáp trả hạt nhân trước một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường.

Tổng thống Putin hiện là người ra quyết định khi nói đến kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga.

Một số người cho rằng, lời đe dọa hạt nhân của ông Medvedev là nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý hoặc ngăn cản phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Mỹ và các đồng minh đã cam kết viện trợ quân sự và các hỗ trợ khác cho Kiev với tổng trị giá gần 250 tỷ USD.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga và Mỹ cho đến nay là các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới: ông Putin nắm quyền kiểm soát 5.889 đầu đạn hạt nhân trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nắm quyền kiểm soát khoảng 5.244 đầu đạn hạt nhân.