Theo Tập đoàn Công nghệ vô tuyến điện tử (KRET), tiêm kích thế hệ 6 của Nga sẽ được thiết kế kiểu đuôi buông và được trang bị súng điện từ.
Thông tin này được ông Vladimir Mikheev, Cố vấn Phó chủ tịch Tập đoàn KRET của Nga cho biết. Tiêm kích thế hệ 6 của Nga sẽ được sản xuất bằng loại vật liệu tổng hợp đặc biệt có thể khiến nó vô hình trước nỗ lực phát hiện của radar đối phương.
Điểm khá đặc biệt của máy bay chiến đấu thế hệ 6 được ông Vladimir Mikheev tiết lộ là chúng sẽ có đặc tính chiến đấu kiểu "bầy đàn" trong đó chỉ có 1 hoặc 2 máy bay có phi công, những chiếc còn lại sẽ là máy bay chiến đấu không người lái (UACV).
Cuộc cách mạng công nghệ hiện nay cho phép một máy bay có người lái điều khiển đồng thời từ 5 đến 10 UACV. Mũ và quần áo của phi công sẽ gửi tín hiệu tới hệ thống trên máy bay từ đó điều khiển các UACV còn lại. Nhiệm vụ và số lượng UACV sẽ được căn cứ vào tình trạng và kinh nghiệm của phi công.
Mỗi bầy đàn như thế sẽ gồm máy bay chính mang theo phi công cùng hàng loạt UACV với các nhiệm vụ cụ thể riêng biệt cho từng chiếc như do thám, tiêu diệt mục tiêu mặt đất, tấn công máy bay của kẻ thù.
Đặc biệt các UACV đi kèm với máy bay thế hệ 6 sẽ có tốc độ tối đa từ 4-5 lần tốc độ âm thanh. Ngoài ra, tổ hợp UACV này có thể vươn tới tầng không gian thấp sau đó thâm nhập trở lại tầng khí quyển với các di chuyển như vậy khoảng cách hàng trăm km có thể vượt qua trong vài phút.
Về trang bị vũ khí của máy bay thế hệ mới, ông Vladimir Mikheev tiết lộ, máy bay sẽ được trang bị loại vũ khí mới đó là súng điện từ, chúng có khả năng làm vô hiệu hóa hoàn toàn thiết bị điện tử của đối phương và khắc chế đầu đạn của các vũ khí siêu chính xác như Railgun.
Theo ông, vũ khí siêu cao tần này rất hiệu quả, chúng có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến hàng chục kilomet. Tiêm kích thế hệ thứ sáu là máy bay được kết hợp tốc độ siêu thanh, khó phát hiện, tính bảo mật cao, có trí thông minh nhân tạo để làm việc và trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất bao gồm cả điện từ.
Vũ khí siêu cao tần được tạo nên bởi định hướng xung điện từ, chúng có khả năng bắn ra ở khoảng cách lớn từ hệ thống kĩ thuật vô tuyến. Ví dụ như radar hoặc tên lửa định hướng.
Hiện tại ở Nga có súng điện từ có thể vô hiệu hóa thiết bị điện tử của đối phương trong một khoảng thời gian. Sự phát triển của công nghệ này sẽ dẫn đến thực tế rằng, vũ khí siêu cao tần sẽ phá hủy các mục tiêu khi chúng được bắn ra từ hệ thống.
Tuy nhiên khi sử dụng vũ khí siêu cao tần này trong buồng lái có người lái thì đang tồn tại một vấn đề là xung điện từ mạnh có thể dễ dàng làm các phi công tử nạn, bởi vậy nhiều khả năng vũ khí này chỉ được trang bị cho phiên bản không người lái.
Theo Baodatviet