Phụ bố mẹ bán gà ở chợ, suốt 5 năm cấp 1 chỉ có một áo ấm mặc qua mấy mùa đông, gia đình phải chắt chiu từng đồng… là những tháng năm tuổi thơ cơ cực, nhiều nước mắt của MC có nụ cười đẹp nhất VTV – Nguyễn Thùy Linh.
Hẹn gặp MC Thùy Linh vào một chiều thứ 7 sau khi chị tất bật với công việc tại Đài truyền hình. Câu chuyện bên ly cà phê bắt đầu từ nụ cười và dần là những giọt nước mắt khi ngược lại những tháng ngày ấu thơ. Lần đầu, Thùy Linh chia sẻ với tôi về một miền ký ức nghèo khó, cơ cực nhưng vẫn ấm áp, yên vui…
Lúc nhỏ tôi gầy, đen… chỉ được cái xinh khi cười
Nhiều người nói Thùy Linh đứng trên sân khấu hay cười, gương mặt lúc nào cũng tươi vui, rạng rỡ kể cả những khi công việc mệt nhoài, căng thẳng hay tâm trạng không thoải mái. Nhưng thực sự ngoài đời Thùy Linh còn cười nhiều hơn.
Cô kể: “Hồi nhỏ tôi rất hay nhìn vào gương và tự hỏi sao mình xấu thế, ngoại hình nhỏ, gầy yếu lại còn đen nữa. Nhưng cứ khi cười, mọi người lại khen xinh. Bắt nguồn từ suy nghĩ rất trẻ con ấy, tôi cười nhiều hơn để được khen xinh, cũng là để mang niềm vui đến cho mọi người… Tôi còn nhớ trong những cuốn lưu bút của bạn mình thời cấp 3, đại học, có không ít bạn viết rằng họ thích nụ cười của tôi nhất và cũng thấy tôi xinh nhất khi cười".
Và đằng sau bức ảnh nhận giải đặc biệt ấy là một câu chuyện thú vị. Thùy Linh bảo, thời gian nhà Đài phát động cuộc thi ảnh Nụ cười VTV cô không trực tiếp gửi bức ảnh nào tham dự. Cho đến trước đêm tổ chức trao giải, BTC thông báo mình chuẩn bị tinh thần để lên nhận giải, lúc đó đã rất bất ngờ, háo hức rồi.
“Đến lúc bức ảnh mình được giải đặc biệt thì mới thật sự ngỡ ngàng và không tin vào mắt mình nữa. Sau hỏi ra mới biết, chị phụ trách phòng và anh MC Danh Tùng đã âm thầm lặng lẽ gửi ảnh đi…”, Thùy Linh vui vẻ tiết lộ.
“Tôi tự thấy mình có một điểm thú vị là cứ bước ra sân khấu, không hiểu sao, mọi khó khăn, âu lo đều quên hết. Nhiều khi mệt đến mức không thể nói chuyện như bình thường nhưng chỉ cần bắt đầu dẫn chương trình là tự nhiên cảm thấy khỏe khoắn. Một động lực lớn nữa cho tôi chính là sự hỗ trợ và làm việc tập thể của cả ê-kíp”, Thùy Linh nói.
Hỏi Thùy Linh: Hẳn chị cũng là người rất lạc quan, yêu đời? Thùy Linh gật đầu rồi nói có những khoảng thời gian trong công việc cũng như cuộc sống mình cảm thấy mệt mỏi, chán nản, chênh vênh thậm chí mất phương hướng nhưng không để bản thân thả trôi theo những cảm xúc, tâm trạng tiêu cực đó. Cô suy nghĩ để điều chỉnh hướng khác hoặc tự an ủi bản thân bằng những điều tốt đẹp mình đang có.
Phụ mẹ bán gà ở chợ… thèm có hai chiếc áo mùa đông
Nhưng người ta vẫn thường nói rằng đằng sau nụ cười là những tâm sự. Tuổi thơ chị đã bao giờ trải qua những năm tháng khó khăn, cơ cực để hình thành nên một MC Thùy Linh mạnh mẽ, tự tin như tôi và khán giả vẫn thấy? – Tôi hỏi.
Thùy Linh thành thật trải lòng, cô sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhà xưa ở phố Hàng Gai nhưng cuộc sống gia đình không hề sung túc như nhiều người vẫn nghĩ, nếu không muốn nói là nghèo khó và cơ cực. Chính vì thời điểm khó khăn, nên mẹ cô quyết định bỏ việc công nhân tại Cục đo đạc Bản đồ để sang Nga xuất khẩu lao động.
Xa mẹ từ lúc mới 2 tuổi, bố cũng bận đi làm sớm tối không thể ngày nào cũng trông nom, tuổi thơ của Thùy Linh là những tháng ngày ở với ông bà ngoại, anh trai thì được gửi bên nhà nội. “Cứ chiều tối thứ 6, trên chiếc xe đạp cũ bố lại chở tôi về, đến chiều chủ nhật lại chở qua nhà ông bà”, MC Thùy Linh vui vẻ nói.
Cuộc sống những tưởng sẽ bớt khó khăn hơn cho đến khi Thùy Linh lên 4 tuổi, một tai nạn không may mắn xảy ra…“Trong lúc nô đùa vì không để ý, tôi lấy tay nhặt quả bóng dưới gầm giường khi đó đang có ổ điện và không may tay chạm vào đó, bị điện giật và gia đình phải cấp cứu gấp. Ngày ấy cách chữa trị không hiện đại và kịp thời như bây giờ..." Thùy Linh ngậm ngùi nhớ về quãng thời gian nằm tại bệnh viện.
Lúc đó ở nơi đất khách quê người, nghe tin về con phải nằm viện rồi hết lần này lần khác đau ốm triền miên, mẹ cô buồn và lo lắng không yên, đành hủy hợp đồng lao động bên Nga. Trở về với hai bàn tay trắng, cơ quan cũ cũng không nhận nữa.
“Bố mẹ tôi làm đủ việc từ thợ may đến nhập rồi bán gà ở chợ, hôm nào cũng 2 – 3h sáng dậy làm hàng để kịp 6h đưa ra chợ bán. Ngày bé tôi cũng hay dậy sớm để phụ bố mẹ những việc nhỏ như rửa gà, rửa lòng. Khi nắng cũng như mưa hay những lúc trái gió trời, ốm vì thức khuya dậy sớm, vì làm việc vất vả bố mẹ cũng không kêu than nửa lời, không nghỉ buổi chợ nào. Nhìn bố mẹ mà thấy… tủi thân, thương lắm”, Thùy Linh nghẹn ngào tâm sự.
“Nhớ mãi 5 năm cấp 1, tôi chỉ có một cái áo ấm nhất là áo phao màu đỏ. Tôi mặc nó suốt mấy mùa lạnh, lúc áo còn rộng thùng thình dài quá gối cho đến khi không thể ngắn hơn. Mấy năm cấp 1 tôi hay được đi thi kể chuyện, hát múa. Biểu diễn trước đám đông vào mùa lạnh lúc nào cũng chỉ diện chiếc áo đó, đến nỗi cô giáo phải đi mượn áo của bạn khác trong lớp cho mặc rồi nói khéo về bảo mẹ mua cho áo mới đi. Tôi hồn nhiên về kể lại với mẹ, mẹ bảo thôi cố hết mùa đông năm ấy (lớp 5), năm sau lên cấp 2 mẹ sẽ mua áo mới cho con…”, Thùy Linh xúc động kể.
Cuộc sống thiếu thốn là thế, có thời điểm anh em họ hàng phải góp cho tiền rồi quần áo, đồ ăn, vật dụng.....nhưng trong miền ký ức của MC “Bài hát yêu thích” vẫn là tuổi thơ êm đềm, không một tiếng thở than oán trách. Khóc nhiều đó nhưng vì thương và hạnh phúc.“Nhà khó nhưng lúc nào cũng có tiếng cười, bố mẹ chưa bao giờ vì cơm áo gạo tiền hay nghèo túng mà to tiếng hay nặng lời với nhau…”, Thùy Linh gạt nước mắt chia sẻ.
Với Thùy Linh những cái tết của tuổi thơ tuy nghèo nhưng vui, đơn giản như được ăn một bữa cơm ngon hơn mọi ngày, được mặc quần áo mới duy nhất trong năm. Ngày ấy, sự thiếu thốn khiến cho những thứ vật chất tưởng như đơn giản trở nên quý báu vô ngần.
Dù gia cảnh nghèo khó, có những ngày túng thiếu, song bố mẹ Thùy Linh vẫn cố gắng nuôi dạy con cái nên người. Thùy Linh kể, mỗi lần đi ngang qua hàng đồ chơi, thấy những món hàng xinh xinh, cô hỏi mẹ mua cho con, mẹ lúc nào cũng động viên bảo là khi nào có tiền mẹ mua cho nhé. Một cách tự nhiên, cô gật đầu ngay, cười bảo: Mẹ nhớ nhé rồi lại mong ngóng đến cái ngày “Khi mẹ có tiền”.
Trong rất nhiều những kỷ vật của Thùy Linh, chiếc đồng hồ là chiếc kỷ vật đầu tiên và cũng là vật cô trân quý nhất. Thùy Linh nhớ lại: "Đó là phần thưởng giải nhì tôi giành được trong một cuộc thi kể chuyện cấp thành phố năm lớp hai. Tôi đi bộ một mình từ Cung thiếu nhi về nhà, con bé loắt choắt ôm hộp đựng giải thưởng to đùng vì sợ bị cướp khiến ai đi đường cũng nhìn. Chiếc đồng hồ được bố tôi treo ở vị trí đẹp nhất trong nhà. Nhưng điều ý nghĩa nhất với tôi đó là hơn 20 năm trôi qua từ ngày ấy, nhà sửa rồi di chuyển không biết bao nhiêu lần, chiếc đồng hồ cũng hoen rỉ lắm rồi, thậm chí hỏng cũng không ít. Nhưng lúc nào bố cũng lại tự sửa rùi lau sạch sẽ, rồi lại treo lên 1 vị trí dễ nhìn nhất”.
Thùy Linh không giấu giếm chính gia cảnh nghèo khó là động lực để cô phấn đấu học hành tốt hơn, và cũng từ trong khốn khó mà giúp cô trở thành một cô gái độc lập, mạnh mẽ trong cuộc sống. Cô tâm sự suốt những năm tháng Đại Học, chỉ học kỳ đầu tiên là bố mẹ chu cấp cho tiền còn lại cô đều “tự thân vận động”. Thùy Linh làm thêm đủ nghề từ gia sư, dạy học đến PG rồi rong ruổi trên các con đường tuyến phố phát tờ rơi… Cô không ngại việc gì, miễn nghề trong sạch và có tiền phụ giúp bố mẹ trang trải việc học cho bản thân.
Và “Tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được sinh ra trong chính gia đình của mình, hoàn cảnh của mình. Dẫu có khó khăn tôi vẫn nhận nhiều sự yêu thương. Và ra ngoài cuộc sống dù trải qua những biến cố, những lúc gặp chông gai, sóng gió hay thử thách thì gia đình vẫn luôn là điểm tựa. Và tôi cũng mạnh mẽ vượt qua…”, Thùy Linh tâm sự.
Theo VNN