Hành vi của người dùng Facebook đã giúp các nhà nghiên cứu tại ĐH Regis giải thích mối liên quan giữa sử dụng Facebook với stress và sức khỏe.
“Những người dùng lo lắng về việc sử dụng Facebook của mình dễ biểu hiện tăng số lần đăng nhập vào Facebook/ngày và những mô hình hành vi đi kèm với lo âu này có liên quan đến sức khỏe kém”.
Nghiên cứu trước đây đã thấy rằng Facebook làm tăng mức độ lo âu của người dùng do khiến họ cảm thấy bản thân không đủ tốt và gây ra lo lắng, căng thẳng quá mức. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này là do các trang mạng xã hội cung cấp thông tin cập nhật liên tục khiến nhiều người bị ám ảnh về việc phải cập nhật thông tin và trạng thái của bản thân trên điện thoại.
Ngoài ra, 2/3 số người dùng bị khó ngủ do lo âu và những cảm xúc tiêu cực khác sau khi vào các trang mạng xã hội.
Stress mạn tính có thể làm giảm chức năng miễn dịch, do đó làm tăng khả năng nhiễm trùng. Chứng lo âu bắt nguồn từ mạng xã hội có thể dẫn đến stress mạn tính, từ đó dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như: nhiễm trùng hô hấp trên sau khi phơi nhiễm với virus. Lo âu cũng có thể thúc đẩy sự bùng phát của bệnh dị ứng hoặc tự miễn đang mắc.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical and Experimental Allergy cho thấy các đợt stress mạn tính có thể làm tăng tỉ lệ tái hoạt động của virus herpes, là bằng chứng cho thấy stress ức chế các thành phần miễn dịch có vai trò kiểm soát nhiễm virus.
Jay P. Campisi, tác giả nghiên cứu từ ĐH Regis, tin rằng việc sử dụng mạng xã hội không phải là câu trả lời để cảm thấy tốt hơn, cả về cảm xúc, tinh thần lẫn thể chất.
Nếu bạn muốn cảm thấy bớt cô đơn, vui vẻ hơn hoặc có sức khỏe tốt hơn thì việc nhìn chằm chằm vào điện thoại hoặc màn hình máy tính không phải là một giải pháp.
Nghiên cứu tập trung vào Facebook nhưng các nghiên cứu khác đã gợi ý rằng những trang mạng xã hội như Instagram cũng là thủ phạm khi gây ra stress và sức khỏe kém.
Theo PLO