Qatar sẽ chính thức ra khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào tháng 1/2019. Thông báo của giới chức quốc gia Vùng Vịnh này đưa ra vào thời điểm ngay trước cuộc họp của nhóm vào ngày 6/12 tại Vienna (Áo) để bàn về chuyện cắt giảm sản lượng dầu trong năm tới. Quyết định của Qatar tương đối bất ngờ bởi dù không phải là nhóm 5 nước khởi xướng OPEC nhưng Qatar đã tham gia ngay sau khi tổ chức thành lập 1 năm và trở thành một thành viên khá tích cực. Lý do của sự ra đi sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với OPEC được giới chức Doha đưa ra là bởi họ muốn tập trung vào khí đốt - lĩnh vực mà nước này đang là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Một lời giải thích khá ngắn gọn trước thế giới tuy nhiên ẩn chứa đằng sau quyết định của Qatar được cho là không đơn giản như vậy.
Mặc dù phủ nhận quyết định rời OPEC liên quan đến căng thẳng ngoại giao giữa Qatar với các nước Vùng Vịnh trong hơn 1 năm trở lại đây, song giới chức Qatar thừa nhận sự “thất vọng” khi đứng trong một tổ chức mà tiếng nói của họ ngày càng ít giá trị. “Thị trường dầu mỏ đang được kiểm soát bởi một tổ chức mà tổ chức đó lại bị một quốc gia chi phối”, tân Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi nói trong cuộc họp báo tại Doha. Dù không chỉ đích danh, song “một quốc gia” ông al-Kaabi nhắc đến dường như ám chỉ Saudi Arabia - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất trong OPEC và hiện cũng là thành viên chi phối trong tổ chức này.
Quan điểm của Bộ trưởng Năng lượng Qatar cũng được phía Iran chia sẻ và ủng hộ. Đại diện của Iran tại OPEC, Hossein Kazempour Ardebili cho rằng quyết định của Qatar phản ánh sự giận dữ đang gia tăng của các nhà sản xuất dầu trước cái mà ông mô tả là cách tiếp cận đơn phương của Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC vốn do Saudi Arabia và Nga dẫn dắt trong việc ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu.
Theo một số nhà quan sát độc lập, trong mấy thập niên trước, các nước OPEC nhìn chung công nhận lợi ích của họ gắn kết với tổ chức. Nhưng hiện nay, dường như có một sự bất mãn xuất hiện khi nhiều người tin rằng, lợi ích tốt nhất của Saudi Arabia chưa chắc là lợi ích tốt nhất của các thành viên còn lại.
Đó chưa kể mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Qatar và Saudi Arabia chắc chắn gây ra những bất đồng trong quá trình hoạch định các quyết định chung của OPEC. Saudi Arabia và Qatar vẫn đang căng thẳng, kể từ khi Saudi Arabia cùng 3 nước vùng Vịnh khác là Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập từ tháng 6/2017 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa các tuyến vận tải với Qatar, do cáo buộc chính quyền Doha hỗ trợ khủng bố. Trong khi những căng thẳng ngoại giao này chưa được tháo gỡ, việc Qatar rút khỏi OPEC có lẽ sẽ càng khiến cho cục diện trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài nguyên nhân mang màu sắc chính trị, quyết định rút khỏi OPEC được cho là nằm trong chiến lược tự do phát triển kinh tế của Qatar. Một khi không còn là thành viên của OPEC, Qatar không còn ràng buộc về chính sách xuất khẩu dầu mỏ. Hơn nữa, nước này sẽ dồn lực để phát triển khí đốt tự nhiên với mục tiêu tìm kiếm địa vị thống trị toàn cầu trong lĩnh vực này.
Qatar đang nắm giữ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới và đang có kế hoạch mở rộng công xuất khai thác khí đốt lên 100 triệu tấn (hiện ở mức 77 triệu tấn) và sẽ thực hiện trước khi thị trường khí đốt trở nên quá hạn hẹp trong đầu thập kỷ tới. Đây được xem là hướng đi chiến lược của Qatar nhằm khôi phục nền kinh tế sức ép cấm vận và phong tỏa của các nước Vùng Vịnh.
Vết rạn của OPEC
Việc Qatar rút khỏi OPEC được nhận định sẽ không có tác động lớn đến thị trường dầu mỏ quốc tế trong năm tới, bởi sản lượng dầu mỏ của Qatar chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng dầu thô của OPEC. Tuy vậy sự ra đi của thành viên lâu năm này lại là “chuyện lớn” đối với hình ảnh và sự đoàn kết của tổ chức OPEC.
Đây không phải lần đầu tiên OPEC chứng kiến các thành viên nói lời chia tay. Indonesia gia nhập năm 1962 và từng tạm ngừng tư cách thành viên hai lần, gần đây nhất vào tháng 11/2016. Các thành viên khác như Gabon và Ecuador cũng tạm ngừng tham gia OPEC trong những năm 1990 và quay lại sau đó vài năm. Tuy nhiên, trường hợp của Qatar gây chú ý hơn cả. Ngoài 5 nước sáng lập gồm Iran, Iraq, Venezuela, Kuwait và Saudi Arabia, Qatar là thành viên lâu năm nhất trong số các thành viên OPEC. Là một trong số những quốc gia giàu có nhất thế giới, với nguồn lực tài chính dồi dào, Qatar có tiếng nói quan trọng với các nước trong OPEC.
Trong nhiều năm, Qatar đã duy trì là cầu nối quan trọng giữa các nước trong liên minh. Ngoài ra, nước này còn giữ vai trò trung gian giúp kết nối giữa OPEC với các đối thủ dầu mỏ lớn khác như Nga hay Mỹ. Cách đây 2 năm, khi giá dầu xuống mức thấp kỷ lục khoảng 30 USD/thùng, Qatar khi đó đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của OPEC, đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Sau quá trình thương lượng đầy khó khăn, Qatar đã phải thuyết phục các nước trong tổ chức, đặc biệt là Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất, lần đầu tiên sau 8 năm nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Đây được xem là bước tiến lớn giúp tái cân bằng thị trường và giảm sản lượng dư thừa, qua đó kéo giá dầu thoát khỏi mức thấp kỷ lục. Như vậy có nghĩa, quyết định rời OPEC của Qatar sẽ để lại một khoảng trống của một thành viên tích cực trong tổ chức này.
Trước mắt, sự kiện này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lòng tin và khả năng OPEC bình ổn thị trường dầu mỏ. Hiện, giá dầu đang xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua. Các cuộc thảo luận chính sách tới đây của OPEC sẽ không còn sự tham gia với vai trò kết nối quan trọng của Qatar. Và đây là điều khiến giới đầu tư hết sức lo ngại cũng như đặt ra thách thức trong cơ cấu tổ chức của OPEC. Đó là chưa kể, việc Qatar rời khỏi OPEC cũng làm gia tăng quan ngại rằng Saudi Arabia, Nga và Mỹ - ba nhà sản xuất dầu mỏ hàng dầu thế giới, sẽ giành thêm quyền kiểm soát trong việc đưa ra quyết sách dầu mỏ toàn cầu, khi địa chính trị đã trở thành một trong những lực đẩy chính phía sau giá dầu.
Nói tóm lại, sự rút lui của Qatar là dấu hiệu đầu tiên dự báo về một tương lai nhiều biến động trong OPEC./.