Sức mạnh tên lửa 'không thể bị đánh chặn' được Putin công bố |
Giới chuyên gia nhận định Nga có đủ khả năng chế tạo tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân. Lợi thế lớn nhất của động cơ này là tầm bắn cực lớn, gần như không giới hạn, đáp ứng nhiều mục đích địa chính trị của Moscow.
Tên lửa dùng động cơ hạt nhân không phải công nghệ quá mới mẻ. Mỹ từng phát triển hệ thống tương tự mang mật danh "Project Pluto" trong thời Chiến tranh Lạnh, tạo ra mẫu Tên lửa siêu thanh bay thấp (SLAM).
Loại tên lửa này sử dụng nguyên lý động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet), trong đó tên lửa sẽ hút luồng không khí trong khi bay, đốt nóng nó bằng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ bên trong và dùng luồng khí nóng này để tạo ra lực đẩy cho tên lửa.
Cây bút Gerry Doyle cho rằng động cơ ramjet giúp tăng tầm bắn cho tên lửa lên rất nhiều, nhưng nó sẽ để lại nhiều dấu vết phóng xạ trong khí quyển do sử dụng lò phản ứng hạt nhân. Mỹ từng coi đây là một lợi thế, khi tên lửa SLAM vừa mang được đầu đạn hạt nhân, vừa đóng vai trò là một quả bom bẩn có tốc độ siêu thanh.
Một điều trùng hợp là nhiều nước Bắc Âu từng phát hiện dấu vết bụi phóng xạ trong không khí hồi năm ngoái, khi Nga được cho là đang tiến hành các vụ thử tên lửa siêu vượt âm sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng.
Động cơ ramjet không thể hoạt động ở tốc độ dưới 600 km/h, đòi hỏi tên lửa phải có tầng đẩy sơ tốc sử dụng nhiên liệu rắn. Trong quá trình thử nghiệm, quả đạn thường sử dụng động cơ rocket để đạt tốc độ hành trình trên 1.200 km/h, sau đó kích hoạt hệ thống ramjet và vứt bỏ tầng đẩy để giảm khối lượng.
Lầu Năm Góc khẳng định có biết về loại tên lửa hành trình hạt nhân mới của Nga, nhưng cho rằng dự án vẫn trong giai đoạn phát triển và một quả đạn đã bị rơi ở Bắc Cực. Việc ông Putin hé lộ mẫu vũ khí này dường như để cảnh báo phương Tây, cho thấy tiềm lực tấn công phủ đầu của Nga không bị ảnh hưởng bởi các hệ thống lá chắn tên lửa.
Tổng thống Nga cũng công bố video minh họa cách tên lửa hoạt động, kết hợp giữa hình ảnh các vụ thử nghiệm thực tế và đồ họa mô phỏng. Trong đó, quả đạn được phóng từ miền tây nước Nga, bay dọc Đại Tây Dương và vòng qua Nam Mỹ, trước khi đánh trúng một hòn đảo giả định giữa bờ tây nước Mỹ và quần đảo Hawaii.
Trong quá trình bay, tên lửa liên tục thay đổi hướng bay, nhằm vòng tránh các hệ thống cảnh báo sớm và phòng không trên biển. Đây được coi là một tính năng quan trọng, nhất là khi tên lửa có tầm bắn gần như không giới hạn. Nó có thể bay vòng qua mọi tổ hợp phòng thủ và đánh trúng mục tiêu từ những hướng bất ngờ nhất.
"Các chương trình vũ khí chiến lược của Moscow đều nhằm mục tiêu xuyên thủng lá chắn tên lửa Washington. Chúng dường như đã được phát triển từ lâu", chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Mỹ khẳng định. Hồi năm 2001, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo được ký với Liên Xô. Ông Putin khi đó gọi quyết định của Washington là "động thái sai lầm".
Báo cáo đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng trước được coi là lý do tuyệt vời để Nga hé lộ các vũ khí chiến lược mới, coi đó là hành động đáp trả Mỹ. Giới chuyên gia nhìn nhận việc này có nguy cơ mở đầu thời kỳ chạy đua vũ trang mới giữa Moscow và Washington.