(Baonghean) - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Hàng Châu, Trung Quốc là sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong tuần qua - nơi hội tụ của những vị lãnh đạo quyền uy nhất thế giới. Nếu cách đây 2 năm, cũng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane, Australia, mọi sự chú ý đổ dồn vào Tổng thống Nga Vladimir Putin sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea, thì nay, ông Putin vẫn là một “thỏi nam châm đặc biệt” của G20.
Chỉ có điều, ông Putin xuất hiện ở Hàng Châu lần này không phải để chấp nhận thái độ lạnh nhạt, mà để thể hiện một vị thế mới của nước Nga với hàng loạt cuộc gặp được cho là “ra vấn đề” nhất với giới lãnh đạo các nước.
“Thượng khách” ở Hàng Châu
Khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Australia hồi năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được sự chào đón khá lạnh nhạt từ các nhà lãnh đạo thế giới. Nguyên thủ các quốc gia phương Tây còn thể hiện rõ thái độ và liên tục tạo áp lực cho ông Putin trong các cuộc họp nhóm tại Hội nghị. Ông Putin khi đó đã quyết định rời hội nghị sớm - dù ông vẫn nổi tiếng là người luôn biết kiềm chế cảm xúc. Truyền thông Nga sau đó cũng phải phàn nàn rằng giới lãnh đạo tại G20 đã tìm cách “tẩy chay” Tổng thống Nga.
Thế nhưng xuất hiện ở Hàng Châu, Trung Quốc lần này, ông Vladimir Putin được đón tiếp như “thượng khách”. Một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc cũng đã tiết lộ trước khi G20 diễn ra rằng ông Putin sẽ đến hội nghị năm nay với tư cách khách mời số một.
Thông điệp này còn được Trung Quốc chuyển tải một cách rõ ràng thông qua cách sắp xếp vị trí chụp ảnh chào mừng của Hội nghị. Nếu 2 năm trước, ông Putin bị xếp vị trí ngoài “rìa” của hàng đầu tiên thì năm nay, ông được xếp ở vị trí trung tâm, chỉ cách Chủ tịch Tập Cận Bình một người là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (ông Erdogan được xếp ngay cạnh ông Tập Cận Bình vì Thổ Nhĩ Kỳ là nước chủ nhà năm sau của G20). Với vị trí này, ông Putin được ngầm hiểu có vị thế ngang hàng với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị, ông Putin cũng luôn xuất hiện ở hàng ghế đầu tiên, ngay bên cạnh của ông Tập Cận Bình. Sự xuất hiện của ông Putin ở Hàng Châu còn được báo giới “ưu ái” đến mức họ khai thác cả chi tiết món quà mà ông đem tặng cho ông Tập Cận Bình là một thùng kem. Và không thể phủ nhận, ông Putin đã thực sự “tỏa sáng” giữa một diễn đàn gồm toàn những nhà lãnh đạo tinh hoa của thế giới này.
Chủ động trong các cuộc hội đàm
Nếu ai đó còn nghi ngờ rằng sự nổi bật của ông Putin về mặt lễ tân ngoại giao là do Nga có mối quan hệ đặc biệt với nước chủ nhà Trung Quốc thì họ sẽ phải nhìn nhận quan điểm này qua hàng loạt cuộc hội đàm song phương bên lề - cũng chính là điểm thu hút nhất của Hội nghị G20 năm nay khi các vấn đề được thảo luận trong hội nghị chính thức đều không quá gai góc. Tại Hội nghị G20, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp bên lề với 10 nguyên thủ quốc gia, trong đó ông Putin được đánh giá là rất chủ động khi đặt ra những vấn đề quan trọng với nước Nga cả về đối nội và đối ngoại.
Nếu cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không đi đến kết quả nào trong vấn đề Syria, thì ông Putin đã nhanh chóng “gỡ điểm” bằng cuộc gặp với Tổng thống Obama sau đó. Sau cuộc gặp được mô tả là “hai bên thảo luận tất cả mọi thứ một cách chi tiết”, ông Putin đã tiết lộ rằng một thỏa thuận về Syria có thể đạt được “trong một vài ngày tới”. Dự luận dự đoán rằng thỏa thuận đó sẽ liên quan đến việc thiết lập một lệnh ngừng bắn mới tại Aleppo sau khi lệnh ngừng bắn cũ hết hiệu lực. Ngoài ra, ông Putin cũng kêu gọi Mỹ cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt để hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.
Một cuộc gặp quan trọng khác của ông Putin là với Hoàng tử Saudi Arabia Mohamad bin Salman, trong đó tập trung vào tình hình giá dầu hiện nay. Sự khẳng định của Hoàng tử Mohamad bin Salman sau cuộc gặp rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu không thể ổn định nếu không có sự hợp tác giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với Nga cũng các nước ngoài OPEC đã cho thấy thành công bước đầu của Tổng thống Putin trong việc kêu gọi Saudi Arabia hợp tác ngăn chặn giá dầu giảm sâu. Và sự thành công đó đã được thể hiện rõ ràng trên thực tế bởi mức tăng trung bình từ 4-5% với các sản phẩm dầu trên thị trường thế giới phiên ngày hôm sau.
Trong các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Pháp Francois Hollande, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe…, ông Putin đều thể hiện vị thế của một nhân vật đối thoại quan trọng, cho thấy nước Nga đã thoát khỏi sự kiềm tỏa của những lệnh trừng phạt để trở thành một đối tác tiềm năng các mối quan hệ hợp tác song phương.
Vị thế mới của nước Nga
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, những cuộc gặp của ông Putin ở Hàng Châu đã phản ánh một xu thế rõ nét trong nền chính trị thế giới, đó là Nga sẽ dần trở thành một đối tác cần thiết và quan trọng của phương Tây, thay vì mãi đối đầu như khi vừa diễn ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Xu hướng đó là tất yếu khi các lệnh trừng phạt của phương Tây suốt thời gian qua đã không thể khiến Nga gục ngã, trong khi vai trò của Nga trong các vấn đề như Iran, Syria đã cho thấy các điểm nóng thế giới khó có thể được giải quyết nếu không có Nga “nhúng tay”.
"Xuất hiện với nụ cười tươi khi đặt chân đến Hàng Châu, Tổng thống Nga Putin dường như đã dự đoán được trước việc nước Nga sẽ trở thành một nhân tố mà tất cả các quốc gia tham dự G20 không thể bỏ qua trong việc giải quyết các hồ sơ quốc tế nổi bật hiện nay" - đó là nhận định xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông sau khi G20 kết thúc. Có thể nói, từ Hàng Châu, màn thể hiện xuất sắc của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy nước Nga đủ tự tin để theo đuổi “một trật tự quốc tế mới đầy tham vọng”, trong đó Nga có thể cạnh tranh về tầm ảnh hưởng với Mỹ.
Cũng tại Hàng Châu, ông Vladimir Putin đã trả lời câu hỏi của giới phóng viên báo chí về khả năng ông tiếp tục tranh cử Tổng thống vào năm 2018. Ông Putin cho rằng còn quá sớm để nói đến chuyện này và bản thân ông cũng chưa đưa ra quyết định. Nhưng nếu ông có thêm 6 năm nữa giữ cương vị Tổng thống, trở thành người điều hành đất nước trong thời gian tới 25 năm, người dân Nga có lẽ cũng chẳng phản đối khi vị Tổng thống của họ có thể đưa giá dầu tăng, mang lại nguồn lợi kinh tế cho quốc gia, có thể chèo lái nước Nga vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất bởi sự o bế của phương Tây, để trở lại với vị thế mới của một cường quốc có tiếng nói trên trường quốc tế.
Thúy Ngọc