anh_12125152_2342019.jpgCuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp diễn ra. Ảnh: Getty
Moskva và Bình Nhưỡng công bố thông tin lãnh đạo hai nước sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên, mặc dù hai bên chưa ấn định thời gian và địa điểm.
Truyền thông đồn đoán cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ diễn ra ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga vào ngày 25/4 tới.

Theo giới phân tích, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều sẽ diễn ra giữa lúc Moskva mong muốn tái khẳng định đòn bẩy ngoại giao đối với Bán đảo Triều Tiên và mở rộng hợp tác kinh tế trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như thận trọng trước viễn cảnh thống trị khu vực của Trung Quốc.

Giáo sư Chang Duck-joon nghiên cứu ngoại giao Nga tại Đại học Kookmin cho rằng: "Giữa lúc biến động trên Bán đảo Triều Tiên trong vòng một năm qua, sự hiện diện của Nga dường như mờ nhạt, điều này khiến giới chức Nga lo ngại do vai trò của nước này có thể bị bỏ qua trong các vấn đề liên quan Bán đảo Triều Tiên. Cũng có lời chỉ trích ngay tại chính nước Nga rằng khi đề cập tới các vấn đề Triều Tiên, Moskva thường quá phụ thuộc vào Bắc Kinh... Cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như phản ánh sự cần thiết phải kiểm soát Trung Quốc ở mức độ nhất định".

Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng dai dẳng giữa Nga với Mỹ kể từ khi Moskva sáp nhập Bán đảo Crimea hồi năm 2014, việc Nga tăng cường quan hệ với Triều Tiên có thể tạo đối trọng với Mỹ.

Giáo sư danh dự tại trường Đại học Quốc gia Seoul, ông Chun In-young nhận xét: "Sau Chiến tranh Lạnh, Nga lo đối phó các thách thức kinh tế của nước này, do đó không lưu tâm tới Triều Tiên, song hiện nay với tư cách là cường quốc mới nổi, Nga muốn thiết lập hàng rào bảo vệ xung quanh để chống đỡ sự ganh đua ngày càng gia tăng với Mỹ".

Ông Kim Jong-un có thể đi tàu tới ga Vladivostok. Ảnh: Yonhap
Tuy nhiên theo giới phân tích, sự can dự của Nga với Triều Tiên có khả năng càng khiến đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng thêm đình trệ, bởi Moskva có thể cất lên tiếng nói trong cuộc đàm phán để gia tăng lợi ích của nước này ở Bán đảo Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều lần đầu tiên khó có thể mang lại kết quả đáng kể xuất phát từ các lệnh trừng phạt, song hai bên có thể đưa ra một tuyên bố chính trị với nội dung tiếp tục phát triển quan hệ đối tác và hợp tác vì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên./