(Baonghean) - Piêng Hòm là bản dân cư đông đúc nhất xã Phà Đánh (Kỳ Sơn). Bản chưa có điện lưới quốc gia, đường sá khó khăn, nhưng có nhiều người biết vượt lên gian khó làm ăn.

Một góc bản Piêng Hòm, xã Phá Đánh (Kỳ Sơn). Ảnh: Hồ Phương
Một góc bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh (Kỳ Sơn). Ảnh: Hồ Phương

Sau một quãng đường bê tông uốn lượn ven sườn núi nối với Quốc lộ 16 lại thêm một quãng đường rừng đầy rẫy dốc lớn, dốc bé nữa chúng tôi mới tới bản Piêng Hòm. Ngay cả với người bản địa, cái tên Quốc lộ 16 hãy còn lạ lẫm, bởi đây là tuyến đường mới thông suốt từ năm 2015 nối xã Tri Lễ (Quế Phong) với xã Tà Cạ (Kỳ Sơn), trước kia quen gọi là đường Tây Nghệ An, nay đã được gắn số 16 trong hệ thống quốc lộ.

Piêng Hòm là một bản Thái mà theo nghĩa gốc của tên gọi thì đó là một bãi đất bằng phẳng có trồng cây chàm nhuộm vải. Ở Kỳ Sơn còn có bản Hòm và sông Nậm Mộ. Người Nghệ nghe tên gọi hay nghĩ đến điều không tốt đẹp. Đến nỗi khi xây dựng một công trình thủy điện trên sông Nậm Mộ, người ta phải gọi chệch đi là Thủy điện Nậm Mô. 

Bản quần cư với những nếp nhà gỗ nhỏ xinh xếp san sát nhau như theo từng dãy. Phần lớn đường ngang ngõ tắt đều đã bê tông hóa. Non trưa, trong ngôi trường mầm non giữa bản ríu ran tiếng trẻ học hát và đọc chữ. Ngôi trường nhỏ hẹp và còn tạm bợ. Hoa được trồng vào những thùng xốp đặt trên hàng rào. Chưa sang tháng Tư mà trời vùng cao đã hầm hập nóng như giữa mùa Hè. 

Trẻ em bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh (Kỳ Sơn). Ảnh: Hồ Phương

Bề ngoài, Piêng Hòm có nhịp sống chậm rãi, thanh bình. Phải đến một tháng nữa mới vào mùa phát rẫy nên phần lớn trung niên, người già, trẻ nhỏ đang ở lại bản. Nếu vào mùa phát rẫy, bản sẽ vắng teo! Ngồi trên căn nhà gỗ của gia đình anh Kha Văn Mun - Phó trưởng Công an xã Phà Đánh, có thể ngó bao quát không gian bản làng.

Dưới gầm sàn, bà cụ khoan thai đưa thoi nhịp nhàng trên khung cửi. Trước một ngôi nhà, một nhóm phụ nữ ngồi tán gẫu vừa chải tóc, vừa chuyện trò nom thật thanh nhàn. Thi thoảng lại bắt gặp từng tốp người chậm rãi bước trên đường. Chân váy thổ cẩm rộn con đường bản.

Sau buổi họp kéo dài đến gần 12 giờ trưa, ông Bí thư Chi bộ bản Kha Văn Thum tìm đến nhà anh Mun để gặp khách. Ông cho hay, người Thái ở xã Phà Đánh chủ yếu là nhóm Tày Khăng, có nguồn gốc từ Lào di cư sang nước ta từ khoảng trên dưới trăm năm nay. Ban đầu ở đất Phà Đánh chỉ có một bản người Thái chính là Piêng Hòm. Thế rồi người ta dãn bớt sang lập bản Kèo Lực rồi tách thành Kèo Lực, 1, 2, 3… Hiện bản Piêng Hòm chiếm khoảng “phần tư” dân số toàn xã, với 150 hộ gia đình, trên 700 nhân khẩu.  

Chủ nhà Kha Văn Mun góp chuyện: Dù đông dân nhưng cả bản chỉ được vài ha ruộng nước. Lương thực chủ yếu nhờ vào lúa rẫy. Năng suất thấp và thường xuyên mất mùa. Dân bản cũng có trồng cây xoan nhưng đường sá vận chuyển khó khăn. Cây xoan thường bị tư thương ép giá. Một cái khó nữa là bản chưa có điện lưới quốc gia. Thế nhưng đời sống kinh tế không đến nỗi.

Anh Mun giải thích rằng: Nguồn thu nhập chính của dân bản Piêng Hòm chủ yếu từ buôn bán qua lại giữa Lào và Việt Nam tại các phiên chợ mỗi năm diễn ra hai lần ở cửa khẩu Nậm Cắn. Ở đây, hầu như ai cũng sở hữu một tấm hộ chiếu, để khi cần có thể sang Lào nhập hàng về bán. Một bộ phận khác thì tham gia đội quân đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc. Hoàn cảnh khiến cho người ta năng động hơn mà!

Anh Mun cũng có 2 cô con gái đang làm công nhân ở một khu công nghiệp ở Bình Dương: “Mỗi năm bọn nó chỉ về nhà một lần ăn Tết rồi đi. Lúc đầu xa con cái cũng buồn, nay thì quen rồi”, anh Mun nói thêm.

Người dân bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh (Kỳ Sơn) dệt vải. Ảnh: Hồ Phương

“Thanh niên đi ra ngoài nhiều nhưng được cái là không mang cái xấu về bản”, anh Lữ Văn Pha - Trưởng bản Piêng Hòm nói: “Dù chưa phải là bản văn hóa nhưng trong nhiều năm trở lại đây, trong cộng đồng không hề có người nghiện hút. Mọi người đều đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau lúc khó khăn”.

Bây giờ nhiều người dân ở Piêng Hòm cũng đã mở trang trại chăn nuôi. Anh Pha cho biết thêm: “Nếu làm kinh tế giỏi trong bản phải kể đến ông Kha Văn Lăn. Từ vài năm nay, trang trại của ông Lăn luôn có vài chục con trâu, bò. Ngoài ra, ông ấy còn nuôi thêm lợn, gà để tăng thêm thu nhập. Vì thế mà đời sống kinh tế khấm khá nhất, nhì bản.” 

“Đó là những điểm sáng thôi, chứ bản mình cũng còn nhiều vấn đề”, Bí thư Chi bộ Kha Văn Thum chậm rãi: “Khó khăn nhất vẫn là đường vào bản, mới chỉ có một quãng khoảng 1km đường bê tông. Còn 3km là đường đất rất khó khăn trong việc đi lại, nhất là mùa mưa đến”.

Chúng tôi trở về trên con đường đất gập ghềnh còn chưa hoàn thành và chợt nghĩ đến câu nói của anh Kha Văn Mun. Đúng là hoàn cảnh đã khiến con người ta trở nên năng động hơn. Ở bản xa xôi còn chưa hề có điện lưới quốc gia, đường sá đi lại vẫn khó khăn, nhưng nhiều người nơi đây đã biết vượt lên khó khăn bằng nhiều cách khác nhau để thoát khỏi cái nghèo.

Vi - Phương

TIN LIÊN QUAN