(Baonghean.vn) - Quần thể thác nước (Quế Phong), Sông Giăng, Thác Kèm (Con Cuông) và hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) là những điểm "phượt" ngắn ngày hấp dẫn cho dịp nghỉ lễ 30/4.
Quần thể thác ở Quế Phong
Quần thể thác nước ở huyện Quế Phong cách thành phố Vinh hơn 170km về phía Tây Bắc, quy tụ những thác nước đẹp và lớn nhất miền Tây xứ Nghệ. Hệ thống thác kéo dài từ thác Sao Va (xã Tiền Phong) đến địa bàn của xã Hạnh Dịch trải dài hàng chục km.
Cách thác Sao Va không xa là bản Hủa Mương (xã Hạnh Dịch) nơi có quần thể thác 7 tầng với những bãi đá trải dài bên những thửa ruộng bậc thang.
Cạnh những ngọn thác là bản Thái cổ Hủa Mương. Những ngôi nhà sàn lợp bằng gỗ sa mu lâu đời rất hấp dẫn du khách. Nghề dệt thổ cẩm, đan lát hay các món ăn truyền thống của người bản địa vẫn còn hiện hữu tại bản nhỏ này.
Sông Giăng
Con sông Giăng đoạn qua xã Môn Sơn (Con Cuông) thuộc Vườn quốc gia Pù Mát, bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào, len lỏi giữa những khu rừng đại ngàn tạo nên cảnh quan kỳ thú. Sông Giăng cũng nổi tiếng với đặc sản cá mát. Cá mát sông Giăng sinh sống dưới làn nước xiết, ăn rêu đá và phù du nên thịt cá trắng, thơm và săn chắc, kích thước lại lớn hơn cá mát ở sông suối nơi khác.
Thác Kèm
Đây là điểm đến ưa thích bậc nhất ở Tây Nam Nghệ An. Ngọn thác cách trung tâm huyện lỵ Con Cuông 18km, nằm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Một điều đặc biệt là ngọn thác nằm giữa rừng nguyên sinh nên nền nhiệt thường dưới 300‑C, mặc dù phía ngoài có thể lên đến 39, 40 độ.
Hồ Bản Vẽ
Từ thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) ngược theo quốc lộ 7A 4km đến bản Cửa Rào rồi rẽ phải đi thêm 20km là đến hồ thủy điện Bản Vẽ. Hồ Bản Vẽ rộng 8.700km2, dung tích 1,8 tỷ m3 được xây dựng từ năm 2005, không chỉ là một công trình thủy điện còn là vùng cảnh quan ngoạn mục giữa đại ngàn miền tây Nghệ An.
Vào mùa du lịch, đội thuyền máy hàng chục chiếc luôn sẵn sàng phục vụ du khách, những hàng quán dịch vụ ăn uống bố trí ngay tại bến thuyền. Giữa lòng hồ có một vài trang trại chăn nuôi có thể kiêm luôn việc phục vụ ăn uống nếu được đặt trước
Hữu Vi - Đào Thọ