Các phương tiện truyền thông lẫn giới chức Phương Tây đang đứng ngồi không yên bởi mối nguy tiềm ẩn trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il. Họ đang ra sức tìm hiểu những thỏa thuận mà Triều Tiên đạt được với Nga trong chuyến thăm cấp cao đặc biệt này.
Sau các cuộc đàm phán ở Ulan – Ude, giới truyền thông cũng như quan chức phương Tây ngỡ ngàng khi Triều Tiên đồng ý quay lại bàn đàm phán 6 bên vô điều kiện liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Trước đó, đàm phán 6 bên luôn bị gián đoạn bởi sự bất hợp tác từ phía Triều Tiên. Ngoài ra, sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch Kim Jong Il, Triều Tiên và Nga cũng đạt được một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Hàn Quốc thông qua lãnh thổ Triều Tiên.
Và nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Triều Tiên sẽ tham gia dự án kinh tế quốc tế tầm cỡ hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho đất nước này.
Theo Nhật báo phố Wall của Mỹ, chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên là có mục đích và nó không nằm ngoài vấn đề viện trợ kinh tế.
Minh chứng cho lý lẽ của mình, tờ báo đề cập đến việc gần đây ông Kim Jong Il thường xuyên kêu gọi “sự giúp đỡ tích cực hơn” từ các nhà tài trợ truyền thống nhằm đối phó với hậu quả từ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên cũng như các vấn nạn thiên tai, lũ lụt hàng năm.
Kết quả là, lời kêu gọi của Chủ tịch Kim được đáp lại. Bộ tình trạng khẩn cấp của Nga cam kết sẽ giúp Bắc Triều Tiên khắc phục hậu quả từ các thảm họa.
Báo giới Mỹ một mực cho rằng mục đích chính của Triều Tiên trong chuyến thăm Nga là đạt được các thỏa thuận hỗ trợ lương thực. Họ tin rằng đối với một đất nước thường xuyên phải chịu sự hoành hành của nạn đói như Triều Tiên thì quan hệ tốt với Nga sẽ giúp nước này nhận được nhiều nguồn viện trợ lương thực hơn từ cộng đồng quốc tế.
Đồng quan điểm với các đồng nghiệp Mỹ, tờ The Independent của Anh lặp đi lặp lại luận điệu cho rằng thái độ “hợp tác” của Triều Tiên trong việc nối lại đàm phán 6 bên là cần thiết để cứu nước này thoát khỏi nạn đói triền miên.
Tuy nhiên, tờ báo này còn đưa ra một giả thuyết khác khá lý thú rằng Triều Tiên đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của Nga đối với quá trình chuyển giao quyền lực giữa Chủ tịch Kim và con trai út của mình là Kim Jong Un.
Ngoài ra, theo các chuyên gia Hàn Quốc, Triều Tiên còn có thêm mục đích chính trị riêng. Rõ ràng, với động thái thân Nga mới đây, Triều Tiên muốn giảm sự phụ thuộc vốn đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn với đối tác truyền thống số một là Trung Quốc.
Về phía Nga, báo giới Mỹ tin chắc rằng nước này cũng đang có những toan tính riêng. Nhật báo phố Wall bình luận rằng Nga đang tha thiết muốn góp sức để phát triển một thành phố cảng ở Đông Bắc Triều Tiên cũng như kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt cung cấp khí đốt cho cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các chuyên gia Hàn Quốc cũng nhận định, động cơ thực chất của người Nga trong việc kết thân với Triều Tiên là nhằm khôi phục lại vị thế của nước này ở khu vực Đông Bắc Á sau khi để vuột mất ảnh hưởng thời kỳ hậu chiến tranh lạnh.
Tờ The New York Times ban đầu không tin vào tính chất lâu dài của kết quả đến từ các cuộc đàm phán giữa Nga và Triều Tiên. Ngay cả khi Chủ tịch Kim và Tổng thống Medvedev đạt được các thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực năng lượng, tờ báo này vẫn cho rằng mối bất đồng trong vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ khiến các nỗ lực đàm phán thất bại.
Song, rõ ràng nhận định này hoàn toàn sai lầm bởi các chương trình hạt nhân củaTriều Tiên không hề gây ra bất cứ trở ngại nào cho các cuộc đàm phán về năng lượng giữa nước này với Nga.
Do đó, không phải là ngẫu nhiên khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức muốn thảo luận về kết quả của các cuộc đàm phán với Nga. Tuyên bố này được đưa ra bởi đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao bà Victoria Nuland.
"Nga là một trong các bên tham gia đàm phán 6 bên. Mục tiêu của người Nga đi liền với mục tiêu của chúng tôi. Do đo, chúng tôi có những vấn đề cần thảo luận với Nga sau khi chuyến thăm của Chủ tịch Kim kết thúc", bà Victoria nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không ngần ngại đề cập tới một mối bận tâm khác liên quan đến sự tồn tại của các cơ sở làm giàu uranium của Triều Tiên đồng thời cáo buộc sự tồn tại này vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Dù đưa ra nhiều ý kiến bình luận trái chiều như trên thì cuối cùng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như báo chí phương Tây vẫn bắt buộc phải công nhận rằng những thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Kim mới đây rõ ràng là một thành công trên lĩnh vực ngoại giao của Nga. Và quan trọng hơn cả là thành công này đang khiến Mỹ cũng như các đồng minh của nó đứng ngồi không yên.
Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ ca ngợi việc khiến cho Triều Tiên nối lại bàn đàm phán 6 bên vô điều kiện cũng như thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt là một thành công ngoài sức tưởng tượng của nước Nga.
Tờ Christian Science Monitor nhận định rằng các thỏa thuận mà Nga và Triều Tiên vừa đạt được là một bước đột phá trong chính sách đối ngoại của của điện Kremlin.
Còn Tạp chí Der Spiegel của Đức thì bình luận chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên tới Nga là khởi đầu mới cho quan hệ giữa hai nước này.
Hiện các thỏa thuận giữa Nga và Triều Tiên sau chuyến thăm hiếm hoi tới Nga của Chủ tịch Kim Jong Il đặc biệt thu hút sự chú ý của giới truyền thông phương Tây.