Với bốn bước luyện nghe, bạn sẽ nắm được điểm yếu của mình để có cơ sở cải thiện tiếng Anh, dần tăng khả năng giao tiếp.  

Trước khi thực hiện phương pháp này, bạn nên lựa chọn tài liệu nghe phù hợp với bản thân. Nói cách khác, bài nghe không nên quá nhanh, quá nhiều từ khó và chủ đề quá phức tạp.

Khi có tài liệu phù hợp, bạn có thể bắt đầu luyện bằng phương pháp nghe theo bốn bước như sau.

Đầu tiên, bạn bật băng (hoặc video), nghe toàn bộ đoạn băng hoặc bài nói. Khi nghe, bạn chỉ cần tập trung làm rõ những câu hỏi: chủ đề nói về cái gì, có bao nhiêu ý chính, ý phụ, ví dụ...

image_7791132.jpgPhần lớn người học tiếng Anh không thể giao tiếp vì thiếu kỹ năng nghe. Ảnh minh họa: Silicon Valley Globe

Lưu ý, bạn không dừng băng (stop) và nghe lại từng câu ở bước này. Cứ để băng chạy từ đầu đến cuối và cố gắng nắm bắt những ý cốt lõi nhất của bài nghe. Nếu bạn nghe khoảng 10-20 lần mà vẫn không nắm được ý chính, có nghĩa là bài nghe đang quá khả năng của bạn, nên lựa chọn bài nghe dễ hơn.

Sau khi nghe và hiểu được ý chính của bài, bạn chuyển qua bước thứ hai: "note-taking". Chuẩn bị một mảnh giấy và một cái bút, bật băng nghe lại và "note" lại những gì mình hiểu. Lưu ý, giống bước một, bạn không dừng băng và nghe lại từng câu, mà bật từ đầu đến cuối và "take note".

Trong bước một, bạn đã hiểu được nội dung cơ bản của bài nói rồi, nên việc "take note" chủ yếu nhằm hệ thống lại nội dung bài nói. Vì tốc độ nói luôn nhanh hơn tốc độ viết, bạn chỉ "take note" những nội dung căn bản nhất, chứ không ghi lại tất cả những gì mình nghe được. Để dễ hiểu, hãy tưởng tượng sếp đang giao nhiệm vụ, bạn có một tờ giấy và một cái bút, hãy ghi lại nhiệm vụ - đừng ghi lại từ ngữ của sếp.

Bạn có thể nghe hai đến ba lần để "take note" đầy đủ nội dung và chuyển qua bước thứ ba, chép chính tả. Mục đích của chép chính tả là để kiểm tra từ vựng, ngữ pháp và khả năng nghe chi tiết của bạn.

Khi chép chính tả, đơn giản là bạn dừng lại sau mỗi đoạn, hoặc mỗi câu, và cố gắng ghi lại chính xác những gì người nói đề cập trong bài viết. Bạn hãy để ý từng đuôi "s" hoặc "ed" của từ, cố gắng làm hoàn hảo nhất có thể. Rất nhiều chỗ, bạn có thể cảm thấy không biết từ này là từ nào, hãy bỏ qua và tiếp tục đến khi chép lại hoàn toàn bài nghe của bạn.

Chép chính tả sẽ giúp bạn nhận ra những lỗi phát âm, ngữ pháp, từ vựng... của mình. Kinh nghiệm cá nhân của mình là hầu hết những học viên yếu ngữ pháp sẽ bộc lộ nhiều lỗi trong phần này, ví dụ nhầm lẫn "a", "the", "in", "on" hay thiếu "es", "ed". Những bạn phát âm tiếng Anh yếu sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt "keyword" - từ quan trọng trong bài nói. Những bạn nghe tốt, phát âm tốt và chắc ngữ pháp sẽ bắt được toàn bộ.

Bước cuối cùng là nghe và kiểm tra lại. Bạn cần có "transcript" của bài nói để hoàn thiện bước nghe cuối cùng này. Hãy đọc "transcript" của bài nói, và so sánh với bài "dictation" của mình để biết lý do tại sao mình nghe sai hoặc không nghe được. Điều này là rất quan trọng để bạn nhận ra điểm yếu của mình khi nghe: do thiếu từ vựng, do phát âm kém, hay do ngữ pháp kém? Khi đã biết điểm yếu của mình, bạn có cơ sở tập trung học để nâng cao khả năng tiếng Anh.

Sau đó, bạn có thể bật đi bật lại bài nghe đó, và luyện nghe hàng ngày. Càng nghe nhiều, bạn càng nâng cao khả năng nghe hiểu, và giao tiếp tiếng Anh.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN