(Baonghean) - Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên có cây đa do đồng chí Trường Chinh trồng năm 1976. Cây đa này đã trở thành một trong những biểu tượng gắn liền với sự phát triển của Khu di tích Kim Liên, là tài sản vô giá, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Tuy vậy, từ năm 2010, khi Dự án “Bảo tồn tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn liền với phát triển du lịch” được triển khai và công trình tôn tạo chăm sóc cây đa đồng chí Trường Chinh trồng hoàn thành, thì cây đa có hiện tượng rụng lá, khô cành và yếu dần. Để chữa trị, Ban quản lý dự án và Khu di tích Kim Liên đã mời các nhà khoa học đã từng chữa trị cho cây đa Tân Trào, đồng thời ký hợp đồng với Công ty Cây xanh - xây lắp Huy Hiệp tiến hành chăm sóc cây đa, tuy nhiên cây đa vẫn trong trạng thái rất yếu.
Cây đa đồng chí Trường Chinh trồng tại Khu di tích Kim Liên.
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ khoa học và chính trị cấp bách, mang ý nghĩa văn hóa to lớn của tỉnh nhà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã trực tiếp ký Quyết định số 2918/QĐ-UBND ngày 3/8/2012 giao cho Sở KHCN lựa chọn tổ chức và cá nhân triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật phục hồi và phát triển cây đa do đồng chí Trường Chinh trồng tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn”. Đề tài nhằm xác định nguyên nhân và đề ra các giải pháp kỹ thuật kịp thời cứu chữa phục hồi sức sống cho cây đa; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An được chọn làm tổ chức chủ trì đề tài.
Ngay sau khi đề tài được duyệt, cơ quan chủ trì đã tiến hành tổ chức đoàn chuyên gia chuyên sâu bao gồm: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện BVTV, Sở KH&CN... đến hiện trường đánh giá thực trạng và lấy mẫu đất, mẫu nước và mẫu rễ cây đưa về phòng thí nghiệm để phân tích. Từ kết quả đánh giá hiện trạng và kết quả phân tích mẫu, cùng với sự tư vấn của các chuyên gia, đề tài đã xác định được các nguyên nhân gây nên hiện tượng rụng lá khô cành cây đa:
Thứ nhất, đất trồng cây đa là loại đất phù sa có độ phì rất nghèo, hàm lượng các dinh dưỡng đa lượng trong đất ở mức rất thấp; đất không được bổ sung các dưỡng chất, đặc biệt đất bị cứng hóa do không được bổ sung chất hữu cơ, hàm lượng các dinh dưỡng đa lượng cũng không được bổ sung đầy đủ. Ở tầng đất 50-100cm, nơi phân bố chủ yếu của rễ có hàm lượng các chất dinh dưỡng rất thấp, đồng thời đất ở tầng này luôn có nước, độ ẩm rất cao, rễ cây luôn trong tình trạng ở độ ẩm bão hòa, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hút dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nấm bệnh hại rễ phát triển.
Thứ hai, trong quá trình thi công công trình xây dựng Khu di tích đã dùng máy móc làm cho cây đứt rễ, đất nén quá chặt dẫn đến thiếu ôxy trong đất, cây bị nghẹt rễ không hút được dinh dưỡng. Đồng thời khi xây vỉa đá xung quanh cây đa, đã chặt rất nhiều rễ lớn, gặp ẩm độ cao, các loại nấm bệnh phát triển mạnh làm thối rễ cục bộ.
Thứ ba, trong quá trình xây bồn đá xung quanh cây đa với chiều cao trên 0,6m, đơn vị thi công đổ đất mới vào nhưng thiết kế các hệ thống thoát nước không đồng bộ nên vào mùa mưa năm 2011, tại khu vực gốc và rễ cây đã xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ, làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Đồng thời, khi thêm đất mới nhà thầu đã vô tình đưa đất có nguồn bệnh chưa qua xử lý, nên cũng dẫn đến nguyên nhân rụng lá khô cành của cây đa.
Căn cứ vào kết quả phân tích mẫu và kinh nghiệm học tập từ việc cứu chữa cây đa Tân Trào, cùng với sự tư vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm, đề tài đã xác định được các kỹ thuật chữa trị phục hồi sức sống cho cây đa trong thời gian tới, đồng thời xây dựng được phương pháp nhân giống vô tính cây đa và các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây phát triển lâu dài.
Phục hồi cây đa do đồng chí Trường Chinh trồng tại Khu di tích Kim Liên
Hà Phương (Trung tâm ƯDTB KHCN tỉnh)