Ở những chỉ số phát triển, phụ nữ Việt Nam đang có nhiều cơ hội hơn, được phát triển toàn diện hơn, nhưng những con số cũng cho thấy nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Dữ liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy, phụ nữ Việt Nam đang "đẹp" hơn, thông minh hơn, độc lập hơn, nhưng vẫn gặp nhiều vấn đề chưa được giải quyết suốt 20 năm qua.
Khỏe đẹp hơn
BMI là chỉ số dùng để đo tỷ lệ cân nặng trên chiều cao. Tuy còn nhiều tranh cãi về mặt xã hội, BMI từ lâu được xem là một trong những chuẩn mực đánh giá về độ cân đối của con người.
Năm 1975, phụ nữ Việt Nam còn nằm sâu ở mức thấp còi với chỉ số BMI = 17,96, thấp hơn rất nhiều so với chuẩn "thấp còi" 18,5 của WHO.
Năm 2014, chỉ số này đã là 21,13. Con số này nằm gọn gàng trong mức chuẩn của WHO.
Phụ nữ Việt Nam sống tương đối lành mạnh.
Trên thế giới, việc tăng trưởng các bệnh "lối sống" như mạch vành, thừa cân, tiểu đường thường đi liền với việc sử dụng chất kích thích, độc hại.
Thói quen sống thiếu lành mạnh được phân chia khá rõ ràng theo giới tính. Trên toàn cầu, tỷ lệ hút thuốc hàng ngày ở người trên 15 tuổi: Nam - 36%, Nữ - 8%; tỷ lệ uống rượu bia: Nam - 48%, Nữ - 29%.
Ở Việt Nam, chỉ khoảng 1% phụ nữ hút thuốc lá mỗi ngày.
Kết quả, chỉ khoảng 10,2% phụ nữ trên 20 tuổi thừa cân (BMI>25), và chỉ 1,2% béo phì (BMI>30).
Tuy vậy, thế giới ghi nhận sự gia tăng của những chứng bệnh liên quan đến thần kinh, giảm trí nhớ. Ước tính, khoảng 44 triệu người trên thế giới đang sống chung với chứng giảm trí nhớ. Phụ nữ cũng chịu hệ quả lớn hơn của chứng này bởi đặc trưng tuổi thọ cao hơn. Họ cũng là giới chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc người thân mắc chứng mất trí - với tư cách người vợ, con gái hay con dâu.
Ở Việt Nam, những thống kê này vẫn còn thiếu vắng.
Giáo dục
Hai thế kỷ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong môi trường giáo dục. Lượng trẻ em, nhất là trẻ em gái đến trường từ cấp tiểu học đang tăng mạnh khắp trên thế giới. Tại Việt Nam, con số này tăng gần gấp đôi trong vòng hơn 10 năm. Con số này càng vĩ đại hơn, nếu đặt trong bối cảnh hơn 58 triệu trẻ em toàn thế giới, hơn một nửa là bé gái, không được đến trường.
Tỷ lệ bé gái được học cấp 2 trở lên đang tăng mạnh, nhưng vẫn giảm so với ở trường tiểu học. Tuy vậy, chênh lệch về giới tính vẫn tăng khi lên các cấp học cao hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến vai trò của phụ nữ ở nhiều ngành nghề quan trọng, nhất là các ngành nghề liên quan nghiên cứu, kỹ thuật và xây dựng. Tại Việt Nam, xu hướng này đang được thu hẹp, nhưng tỷ lệ phụ nữ ở các ngành liên quan khối kỹ thuật vẫn thấp.
Tỷ lệ mù chữ ở phụ nữ trưởng thành tại Việt Nam đang giảm nhanh. Trên thế giới, UN ước tính khoảng 781 triệu người từ 15 tuổi lên đang mù chữ, trong đó gần 2/3 là phụ nữ, tức khoảng 520 triệu, tỷ lệ này đã đứng yên suốt gần 2 thập kỷ.
Nhưng ở Việt Nam, mù chữ gần như đã biến mất.
Quá trình xóa mù chữ cũng được chú ý hơn với phụ nữ lớn tuổi, trên thế giới, chỉ khoảng 70% phụ nữ và 81% đàn ông biết chữ. Tại Việt Nam, con số này tương đối tiệm cận.
Độc lập hơn
20 năm qua, phụ nữ đã độc lập hơn. Họ kết hôn trễ hơn tương quan của mức tăng trình độ học vấn, sự xuất hiện của các tổ chức giới, và cả nhận thức của chính họ.
Tình trạng tảo hôn đang giảm dần, tỷ lệ trẻ em sinh con ở độ tuổi 15-19 chỉ còn khoảng 2,9%. Giảm tỷ lệ kết hôn sớm, đồng nghĩa với tăng cơ hội học tập cho các em, từ đó giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình và cô lập khỏi xã hội.
Ở Việt Nam, độ tuổi sinh con trung bình của phụ nữ là 27, và chỉ sinh 1,8 con, thấp hơn rất nhiều con số 2,5 trên toàn thế giới.
Mối liên kết con cái - gia đình cũng không còn chặt chẽ như trước, ngày càng nhiều đứa trẻ sinh ra trước hôn nhân. Với xu hướng này, đi kèm với tỷ lệ ly hôn tăng, các gia đình đơn thân ngày càng nhiều.
Những con số buồn
Bạo lực từ người khác giới vẫn là nguy cơ lớn nhất phụ nữ phải đối mặt. Trên thế giới, phụ nữ là nạn nhân của nhiều loại bạo lực: Thân xác, tình dục, uy hiếp tinh thần hoặc tấn công về kinh tế, không phân biệt thu nhập, tuổi tác hay học vấn.
Bạo lực dẫn đến những vấn đề sức khỏe, cảm xúc và tinh thần. Gần 1/3 phụ nữ trên thế giới từng có trải nghiệm bị bạo hành. Đáng sợ thay, họ có nguy cơ bị tấn công bởi chính bạn tình (người yêu/chồng) cao hơn hẳn so với người lạ.
Tại Việt Nam, các con số cho thấy xu hướng tương tự.
Việc giảm thiếu hành vi bạo hành được Liên Hợp Quốc xác định là một trong những mục tiêu hàng đầu. Để đạt mục đích đó, trước hết phụ nữ cần nhận thức được đâu là hành vi bạo hành, trước khi có giải pháp phản kháng.
Thống kê cho thấy, phụ nữ Việt Nam đang dần nhận ra các cử chỉ bạo hành và tôn trọng giá trị của mình hơn.
Ước lượng tuổi thọ khi sinh của phụ nữ tăng mạnh, năm 1990, phụ nữ thường được dự đoán sống khoảng 70 năm, đến năm 2015, con số đó đã tăng lên 80,4 năm. So sánh với đàn ông, tuổi thọ phụ nữ Việt Nam luôn được dự đoán cao hơn khoảng 10 năm.
Điều này dẫn đễn những con số tương đối buồn. Phụ nữ dễ chịu ảnh cô đơn, sống một mình về già hơn so với đàn ông, nhất là ở độ tuổi từ 60-64.
Những dữ liệu trong bài được cung cấp bởi Liên Hiệp Quốc trong thống kê Woman of the World gần nhất.
Theo Zing