Nhân rộng nhiều mô hình hay

Nhận thấy rác thải có thể tận dụng để biến thành những thứ có ích cho cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường, năm 2021, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Nghi Thạch tham mưu UBND xã hỗ trợ triển khai làm điểm mô hình “Biến rác thải hữu cơ thành phân vi sinh”. Nhận thấy đây là mô hình mới, phù hợp với địa bàn nông thôn, Hội LHPN huyện phối hợp cùng Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền, khảo sát, lựa chọn 10 hộ gia đình thuộc xóm 1, xã Nghi Thạch để làm điểm thực hiện. Hội LHPN xã đã vận động nguồn lực hỗ trợ kinh phí mua thùng, men vi sinh, tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình thực hiện mô hình cho các hộ gia đình.

Phụ nữ Nghi Lộc lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước ảnh 1
Các cơ sở Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Nghi Lộc có nhiều hoạt động thiết thực ủng hộ nhân dân lũ lụt huyện Kỳ Sơn. Ảnh: HPN

Mặc dù mô hình mới triển khai trong thời gian ngắn, song đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các hộ dân. Chị Đặng Thị Thái, Chi hội Phụ nữ xóm 1, xã Nghi Thái chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần phát sinh rác thải sinh hoạt, chúng tôi đều đem chôn lấp; các loại cây trong vườn như mít, bưởi, cam... bị sâu bệnh rơi rụng xuống vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện mô hình này, việc áp dụng quy trình ủ cũng khá đơn giản, chỉ cần xây bể đựng rác chia làm 2 ngăn có nắp đậy nhằm tránh ruồi, muỗi vào đẻ trứng. Sau khi rác sinh hoạt của gia đình được phân loại, riêng rác hữu cơ như thức ăn dư thừa, rau cỏ, trái cây hư… cho vào hố, ủ trộn với men vi sinh để biến thành phân bón vi sinh”.

Mô hình đã hỗ trợ hiệu quả cho việc phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu tối đa tổng lượng rác thải ra môi trường, tận dụng triệt để các nguồn rác thải hữu cơ, hạn chế sự quá tải của các bãi tập kết và xử lý rác tập trung, giúp giảm chi phí trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn, đồng thời tạo ra nguồn phân hữu cơ nhằm hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp.

Từ mô hình này, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghi Lộc tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân rộng tại các đơn vị trên địa bàn huyện. Từ đầu năm 2022, toàn huyện có 10 đơn vị ra mắt mô hình với sự tham gia hưởng ứng của gần 500 hộ gia đình. Điển hình như các đơn vị: Nghi Thái, Nghi Hưng, Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Văn, Nghi Mỹ… Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã phối hợp tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải và quy trình xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh cho các hộ gia đình; tổ chức lễ ra mắt mô hình, đồng thời tham mưu UBND xã và vận động xã hội hóa để hỗ trợ nguồn lực để mua thùng chứa và men vi sinh hỗ trợ ban đầu cho các hộ gia đình tham gia mô hình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghi Lộc hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HPN

Bên cạnh mô hình đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghi Lộc đã hỗ trợ, thực hiện có hiệu quả nhiều công trình, phần việc có sức lan tỏa cao trong cộng đồng, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…

Phát triển mạnh phong trào hội

Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức phát động và tổ chức, triển khai các phong trào thi đua yêu nước với các nội dung phong phú, thiết thực, sát với các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và cơ sở đã phát động phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội cấp trên và địa phương phát động như: “Xây dựng người phụ nữ Nghệ An thời đại mới" và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Tết ấm tình thương”; “Phụ nữ Nghi Lộc chủ động tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao”... Việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc được gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phúc Thọ hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HPN

Nhiều mô hình, cách làm hay đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong các cấp Hội. Cụ thể như phong trào “Phụ nữ Nghi Lộc chủ động tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao”; duy trì các hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh”; xây dựng được nhiều mô hình thiết thực về hoạt động phòng chống rác thải nhựa; có 15/29 xã chỉ đạo làm điểm mô hình “Biến rác thải hữu cơ thành phân vi sinh”.

Trong năm 2022, Hội đã hỗ trợ xây dựng được 2 mái ấm tình thương với số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng/mái ấm; đồng thời phối hợp Quỹ tình thương Chi nhánh Nghi Lộc hỗ trợ xây dựng 1 mái ấm với số tiền 40 triệu đồng cho hội viên nghèo. Đặc biệt, hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn huyện tặng hơn 600 suất quà với tổng số tiền gần 300 triệu đồng cho các hội viên nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình chính sách nhân các ngày lễ, tết trong năm.

100% hộ gia đình được Hội đăng ký đã được giúp đỡ dưới các hình thức như kết nối, hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế, giảm nghèo, không sinh con thứ 3, không có bạo lực gia đình… Có 58 hộ gia đình được Hội giúp thoát nghèo, thoát cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 3,74% (theo tiêu chí mới). Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”, đến nay Hội LHPN huyện và các cơ sở đã vận động nhận đỡ đầu cho 58 cháu mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng/cháu, thời gian 3-5 năm; 4 cháu được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng/cháu cho đến khi đủ 18 tuổi.

Ra mắt mô hình “Biến rác thải hữu cơ thành phân vi sinh”. Ảnh: HPN

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, trẻ em nghèo vươn lên trong cuộc sống, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sáng tạo, đóng góp hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương như chuyển đổi mùa vụ, cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; sản xuất, chăn nuôi sạch theo hướng tiêu chuẩn chất lượng cao.

“Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Nghệ An thời đại mới”, cuộc vận động “5 không, 3 sạch”; Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”; Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường… Chúng tôi sẽ tập trung đổi mới về hình thức thi đua khen thưởng, về nội dung, chỉ tiêu sao cho cụ thể, rõ ràng và phù hợp với điều kiện của địa phương, qua đó góp phần xây dựng tổ chức Hội và các phong trào ngày càng vững mạnh”

Ngô Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghi Lộc