Lớp học diễn ra trong thời gian 5 tháng, được khai trương từ ngày 23/9 tại nhà văn hóa bản D1 khu Minh Tiến, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.
Lớp học diễn ra trong thời gian 5 tháng, bắt đầu từ ngày 23/9 tại Nhà văn hóa bản D1 khu Minh Tiến, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Lớp học do cán bộ, đoàn viên Đội tri thức trẻ tình nguyện thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 phụ trách giảng dạy vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Ảnh: Hồ Phương
Lớp học được tổ chức dành cho những người phụ nữ bản D1, D2 (của đồng bào Mông) và bản Na Chạng (của phụ nữ đồng bào Thái, Khơ mú). Đến nay đã có hơn 50 học sinh tham gia lớp học, trong đó phụ nữ đồng bào Mông chiếm hơn 90%. Học sinh có tuổi đời từ 35 - 60 tuổi, họ là những người chưa bao giờ đi học hoặc nghỉ học từ lúc còn nhỏ nên đã quên mặt chữ. Ảnh: Hồ Phương
Tri Lễ là xã duy nhất của huyện Quế Phong có đồng bào Mông sinh sống. Tại xã biên giới miền núi này có 10 bản đồng bào Mông. Hầu hết họ sống ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh. Ảnh: Hồ Phương
Cả 10 bản Mông xã Tri Lễ đều chưa có điện, đường đi lại hết sức khó khăn. Phụ nữ từ lứa tuổi 35 trở lên ở những bản này hầu hết đều mù chữ. Có nhiều người không thể nói tiếng phổ thông. Đi học xa, phong tục tập quán lạc hậu là hai nguyên nhân khiến hầu hết phụ nữ đồng bào Mông bị mù chữ hoặc tái mù chữ. Ảnh: Hồ Phương
 
Đại úy Phan Văn Toàn cho biết: Thấy được lợi ích thiết thực nên các bà, các chị đã đi học hết sức đều đặn và đúng giờ, lớp học bắt đầu từ 19h nhưng có nhiều chị đã đến từ rất sớm. Mặc dù thường xuyên mất điện nhưng chị em vẫn đi học đầy đủ. Mới chỉ trong thời gian ngắn mà nhiều người đã nhận biết gần hết mặt chữ . Ảnh: Hồ Phương
Để giúp người dân trên địa bàn biết chữ, ngoài việc vận động con em đến trường của các cấp, các ngành trên địa bàn, phía chính quyền huyện, xã cùng một số đơn vị đóng trên địa bàn đã tổ chức nhiều lớp học xóa mù và sau xóa mù chữ cho người dân, đặc biệt đối với chị em. Ảnh: Hồ Phương
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Trong những năm qua đã có nhiều lớp học được các đơn vị mở trên địa bàn giúp cho người dân các đồng bào dân tộc tiếp cận được con chữ, là tiếp cận với văn minh, với sự phát triển của xã hội. Từ đó, dễ dàng hơn trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Với hy vọng đời sống đồng bào vùng dân tộc nói chung, chị em nói riêng ngày một đổi thay. Ảnh: Hồ Phương