Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại cuộc họp báo chiều nay (20/5) về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại cuộc họp báo này, trả lời câu hỏi của một số về việc phóng viên có được theo dõi kiểm phiếu bầu cử ĐBQH khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021?, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong luật quy định rất rõ người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí cũng được chứng kiến việc kiểm phiếu.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đối với phóng viên báo chí ngày 18/5 vừa qua, chúng tôi đã có công văn gửi các cơ quan báo chí có nhu cầu cử phóng viên tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử.
Theo đó, với cơ quan ở báo chí ở Trung ương, gửi danh sách về Vụ thông tin Văn phòng Quốc hội trước 17h ngày 20/5. Với các cơ quan báo chí ở địa phương, gửi về Ủy ban bầu cử các tỉnh thành trực thuộc Trung ương trước ngày 20/5.
“Việc chứng kiến của phóng viên, yêu cầu phải có thẻ nhà báo đang còn hiệu lực. Ngoài thẻ nhà báo thì phải được cơ quan báo chí giới thiệu đến chứng kiến việc kiểm phiếu”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, trong quá trình chứng kiến việc kiểm phiếu, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của điều 15 Luật bầu cử.
“Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên phải tuân thủ các quy định pháp luật về báo chí, nội quy hòm bỏ phiếu và hướng dẫn của tổ bầu cử. Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ bầu cử. Đưa tin, bài kịp thời trung thực chính xác về quá trình về kiểm phiếu bầu để góp phần công tác tuyên truyền về bầu cử”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cho đến thời điểm này, đến thời điểm này mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử đã sẵn sàng.
Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, đến thời điểm này, Hội đồng bầu cử quốc gia đã và đang chủ động làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu QH khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 từ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa 14, đại biểu HĐND các cấp.
Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở các văn bản, kiến nghị của địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan hữu quan đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc, kiến nghị về công tác bầu cử.
Đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, đã tiếp tục ban hành được 81 văn bản hướng dẫn, trả lời các cơ quan, địa phương và một số công dân về những vấn đề liên quan đến công tác bầu cử.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc công bố danh sách chính thức những người ứng cử, lập và niêm yết danh sách cử tri được Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện việc phân loại cử tri được quyền bỏ phiếu bầu cử đối với từng cấp đại biểu HĐND, các trường hợp không được tham gia bỏ phiếu; tiến hành rà soát, bổ sung, cập nhật kịp thời những thiếu sót liên quan đến danh sách cử tri, bảo đảm việc lập danh sách cử tri được thực hiện đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật. Tổng số Tổ bầu cử trong cả nước đến thời điểm hiện nay là 91.476 tổ với tổng số cử tri là 69.265.810 người. Hiện các Tổ bầu cử đã tiến hành xong việc cấp phát thẻ cử tri.
“Việc tổ chức vận động cho các ứng viên ĐBQH, đại biểu HĐND được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử và hướng dẫn của Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Theo Infonet