Triển lãm “Phóng viên chiến trường” gợi cho người xem những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ qua ống kính của những nhà báo Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam xưa nay chỉ được biết đến qua nhiều bức ảnh của những phóng viên chiến trường phương Tây như Larry Burrows, Don McCullin, Griffiths, Chauvel hay Caron. Do đó, những tư liệu ảnh của phóng viên chiến trường Việt Nam ít được bạn bè quốc tế biết đến.
Với mong muốn đem đến cho công chúng cái nhìn chân thực về cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc dưới góc nhìn của những nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước, chiều tối 14/4, triển lãm ảnh “Phóng viên chiến trường” tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace được tổ chức, giới thiệu 40 tác phẩm chọn lọc của 4 phóng viên ảnh chiến trường: Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Mai Nam, Hứa Kiểm.
Họ là những người đã tham gia tác nghiệp đưa tin về cuộc chiến tranh chống Mỹ, ghi lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc bằng những bức ảnh lịch sử chân thực, trong điều kiện khó khăn, gian khổ, bất chấp mưa bom bão đạn.
Những chiến tích, kỷ niệm về chiến trường Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những chiến sĩ, những phóng viên đã chiến đấu, tác nghiệp năm nào.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã trở thành một phóng viên chiến trường của tờ báo Quân đội nhân dân ở tuổi 25. Ông tự nhận mình là một người lính. Nhưng thay vì đeo khẩu Kalashnikov, vũ khí chính của ông là chiếc máy ảnh, với sứ mệnh thể hiện lòng dũng cảm của các chiến sĩ, cuộc đấu tranh của đồng đội mình. Chính trong những năm chiến tranh khốc liệt nhất, từ năm 1970 đến năm 1972, trên các mặt trận Quảng Trị và Thừa Thiên, ông đã hoàn thành các tác phẩm của mình.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính chia sẻ: “Nếu những người lính coi súng là vợ, đạn là con, thì tôi cũng coi máy ảnh như vậy”. Lúc ấy, với hai chiếc máy ảnh trong tay và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông đã ghi lại những thời khắc không thể nào quên trong cuộc đời phóng viên ảnh.
Đi vào nơi khói lửa, bám sát hiểm nguy để chụp ảnh, ông thậm chí 4 lần bị bom vùi. Tuy nhiên, chiến tranh khốc liệt là thế, nhưng vào chiến trường, những bức ảnh của nghệ sĩ Đoàn Công Tính đâu chỉ là những cảnh đánh nhau dữ dội, mà ông đã ghi lại những khoảnh khắc mang màu sắc lãng mạn của những người lính. Đó là những bức ảnh về nụ cười chiến thắng, về tinh thần lạc quan của những người lính khi bản thân họ biết được là mình đang đấu tranh cho chính nghĩa để bảo vệ Tổ quốc.
Giống như rất nhiều phóng viên chiến tranh khác, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên phóng viên ảnh TTXVN) cũng đã dành phần lớn tuổi trẻ của mình trên chiến trường để đưa tin sự kiện. Những bức ảnh mang tính thời sự được ông tập trung vào nội dung thể hiện được tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí hào hùng của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ.
Ông chia sẻ: “Giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt, tôi vẫn nhìn thấy được tinh thần lạc quan, vui tươi của mỗi người lính sau các trận đánh. So với những bức ảnh của các nhà báo phương Tây, chúng tôi đã đem đến một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam. Những bức ảnh rất đỗi dung dị, nhưng thể hiện tư thế của những người chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập: bình tĩnh, gan dạ, mà phi thường”.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam chia sẻ về quá trình tác nghiệp thời chiến: “Ngày ấy, chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Máy ảnh không phải loại tối tân, thường là của Liên Xô, Đức viện trợ. Mỗi người chỉ được trang bị 1 máy. Phim thì rất hiếm. Cho nên, khi chụp phải đắn đo, đếm từng khoảnh khắc, ưng ý thì mới bấm, chứ không thoải mái như máy ảnh số bây giờ. Ngoài ra, tráng phim, rửa ảnh, phóng ảnh… cũng đều do một tay phóng viên làm”.
Trong điều kiện chiến tranh, ông đi cùng các đơn vị thanh niên, sống và chiến đấu như những người lính thực thụ. Đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, chính những người lính, những người thanh niên trong kháng chiến đã động viên và tạo điều kiện để ông tác nghiệp. Ông học được ở họ tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh.
“Trong chiến tranh, sự sống và cái chết mong manh lắm, và có ai muốn chết? Nhưng khi đã đi vào chiến trường, tận mắt thấy được sự dũng cảm của những người thanh niên, những người dân quân, bộ đội…, thì tôi đã không còn sợ gì hết. Phải có tinh thần như thế thì mới làm việc được. Cho nên, giữa mưa bom bão đạn, chúng tôi vẫn tác nghiệp, vẫn ghi lại những hình ảnh tốt nhất để đem về tuyên truyền”.
Triển lãm “Phóng viên chiến trường” sẽ kéo dài đến hết ngày 10/5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp.
Một số bức ảnh khác trong triển lãm:
Theo VOV