"Hầu hết em khi được phỏng vấn chỉ biết giới thiệu tên, tuổi và ngành học. Nhiều em hoàn thành phần giới thiệu về bản thân trong chỉ 20 giây, sau đó không biết trả lời gì thêm", Giám đốc điều hành Công ty Austfeed Bình Định nhận xét.

Chương trình ngày hội việc làm năm 2016 với chủ đề Chìa khóa thành công trong tầm tay bạn được Đại học Nông lâm Huế tổ chức ngày 7/5 nhằm giúp sinh viên có cơ hội tìm kiếm được công việc phù hợp ngay khi rời khỏi giảng đường. Nông lâm Huế là trường duy nhất của Đại học Huế tổ chức chương trình tìm việc giúp sinh viên và được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quan tâm.

Sau 3 năm tổ chức, đã có hàng nghìn kỹ sư thuộc tất cả ngành đào tạo của nhà trường ký được hợp đồng lao động với doanh nghiệp, có công việc và mức lương ổn định.

images1536759_tuyen_dung_1_8287_1462633572.jpg1.200 sinh viên thuộc tất cả ngành học của Đại học Nông lâm Huế háo hức làm hồ sơ tuyển dụng lao động tại các bàn làm việc do doanh nghiệp bố trí. Ảnh: Đắc Đức.

Ông Phạm Phú Phát, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần CP Việt Nam (một trong những doanh nghiệp đồng hành và có số lượng tuyển dụng lao động lớn nhất tại ngày hội) đánh giá sinh viên miền Trung thông minh, siêng năng và có trách nhiệm cao với công việc được giao.

Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lần này đều cho rằng, sinh viên Huế ngoài việc giỏi lý thuyết đã được đào tạo trên ghế nhà trường thì vẫn còn "yếu và thiếu" kỹ năng mềm khi đối đáp trực tiếp trong khâu phỏng vấn. Vì lý do này, không ít em đánh mất cơ hội được làm việc trong các công ty, doanh nghiệp lớn dù chuyên môn được đánh giá cao. Ngoài ra, khả năng nói tiếng Anh cũng là hạn chế rất lớn cho hầu hết sinh viên.

"Chúng ta đang ở thời kỳ hội nhập, kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ tốt là những ưu tiên số một cho doanh nghiệp đi đến quyết định có tuyển dụng hay không", ông Phát nhận định và cho rằng nếu hội đủ những kỹ năng cần thiết thì cơ hội việc làm luôn rộng mở cho sinh viên.

Là cựu sinh viên của Đại học Nông lâm Huế, Huỳnh Bá Thanh trở về lại trường sau 2 năm được công ty CP Việt Nam tuyển dụng ở vị trí kỹ sư thủy sản. Thanh cho hay, sau hai năm được đào tạo và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp với những đãi ngộ, chế độ hấp dẫn, hiện mức lương của em trên 15 triệu đồng/tháng.

"Mình biết rằng các bạn ra trường sẽ rất bỡ ngỡ, nhiều kỹ năng đôi khi phải học lại từ đầu. Nhưng khi đã quen với công việc thì bản thân sẽ thay đổi rất nhiều và đây thực sự là cơ hội tốt mà sinh viên cần nắm bắt để tìm được công việc phù hợp với bản thân", Thanh chia sẻ.  

Sinh viên được nhân viên có kinh nghiệm của các công ty tư vấn trong các làm hồ sơ đăng ký tuyển dụng. Ảnh: Đắc Đức.

Dẫn chứng về những hạn chế của sinh viên khi tham gia tuyển dụng, ông Dương Vĩnh Quế, Giám đốc điều hành Công ty Austfeed Bình Định cho biết, qua nhiều lần tuyển dụng, công ty khá ưu ái sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Nông lâm Huế. Tuy nhiên, hầu hết em khi được doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp chỉ biết giới thiệu tên, tuổi và ngành học chuyên môn. Có nhiều em hoàn thành phần giới thiệu về bản thân trong thời gian chỉ 20 giây, sau đó không biết trả lời gì thêm.

"Ngoài việc giới thiệu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng cũng cần nghe sở trường hay thậm chí là sở đoản của các em. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cảm thấy thích thú nếu biết thêm thông tin ngoài việc học ở trường, sinh viên đó còn có kinh nghiệm thực tiễn từ công việc làm thêm để trải nghiệm cuộc sống, tăng kỹ năng", ông Quế nói và cho rằng chỉ cần một vài chi tiết nhỏ thôi cũng là cách "ghi điểm" đơn giản, và sinh viên có thể sở hữu ngay một hợp đồng lao động, được trả lương ngay sau khi buổi phỏng vấn kết thúc.

Với vai trò là nhà tuyển dụng, ông Quế thông tin trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ mở thêm 5.000 trang trại nuôi heo nhập khẩu từ nước ngoài và sẽ cần tuyển 25.000 nghìn kỹ sư chuyên ngành Chăn nuôi, Thú y làm việc ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên việc tuyển dụng gặp không ít khó khăn vì lượng sinh viên chuyên ngành Chăn nuôi hay Thú y mỗi năm ra trường quá ít. Trong khi đó, nhiều ngành học lại thừa người, gây nên tình trạng không cân đối nhu cầu của xã hội hiện nay.

"Ngoài việc đào tạo về mặt lý thuyết chuyên môn, nhà trường cũng nên phối hợp mở những buổi đào tạo kỹ năng mềm khi tiếp cận với doanh nghiệp cho sinh viên. Có như thế các em mới tự tin và không đánh mất cơ hội", ông Quế chia sẻ và cho rằng trước nhu cầu của nhiều doanh nghiệp trong một số ngành nghề cụ thể, lãnh đạo nhà trường cũng nên cân nhắc trong việc tuyển sinh đầu vào.

Kỹ năng mềm và khả năng Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của sinh viên miền Trung. Ảnh: Đắc Đức.

Đồng tình và đánh giá cao những chia sẻ của nhà tuyển dụng, Phó giáo sư Lê Văn An, Hiệu trưởng Đại học Nông lâm Huế (Đại học Huế) khẳng định, chương trình ngày hội việc làm thực sự đã tạo ra sự lan tỏa lớn, trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên của nhà trường.

"Dự kiến, năm nay sẽ có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp thuộc tất cả ngành học của nhà trường sẽ được các doanh nghiệp tuyển dụng. Có nhiều doanh nghiệp không hạn chế số lượng lao động tuyển nên sẽ là cơ hội để sinh viên thể hiện năng lực của bản thân", ông An nói và cho hay dù biết nhu cầu nhân lực của nhà tuyển dụng là rất lớn ở nhiều ngành học mà nhà trường đang đào tạo, nhưng việc tăng chỉ tiêu đầu vào thì cần có lộ trình lâu dài.

"Thay đổi cần có thời gian, đã là đào tạo con người thì thời gian được xem là yếu tố quyết định", Hiệu trưởng An nhấn mạnh.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN