(Baonghean) - Để khắc phục những hệ lụy từ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), những năm gần đây, một số công trình nghiên cứu, ứng dụng các loại nấm trở thành chế phẩm sinh học có tác dụng hữu hiệu trong việc phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Cách thức này góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân.  

Trong những năm gần đây, rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng (gọi chung là rầy hại lúa) hoành hành gây hại trên cây lúa. Tuy mức độ khác nhau nhưng năm nào, vụ lúa nào, rầy cũng phát sinh và gây hại, có năm phát sinh dịch lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Rầy không chỉ gây hại trực tiếp cho cây lúa mà nguy hiểm hơn, rầy nâu còn là môi giới trung gian truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh lùn sọc đen Phương Nam hiện chưa có thuốc đặc trị. Để phòng trừ dịch bệnh trên cây lúa, ở nước ta, việc nghiên cứu ứng dụng nấm xanh để phòng trừ sâu đo, bọ cánh cứng hại dừa, rầy nâu, bọ xít, sâu cắn gié, sâu ăn tạp, rầy mềm khá phổ biến. Một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng công nghệ sản xuất nấm Lục Cương phòng trừ sâu bệnh được phổ biến đến nông hộ, mang lại hiệu quả cao.

Chế phẩm Nấm Lục Cương.
Chế phẩm nấm lục  cương.

Tại Nghệ An, năm 2012, Trung tâm Bảo vệ tài nguyên và môi trường rừng đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng, sản xuất chế phẩm nấm xanh Metar-NA từ nguồn giống tự nhiên trên địa bàn để phòng trừ rầy nâu tại một số địa phương như Vân Diên (Nam Đàn), Xuân Sơn (Đô Lương), Hưng Phúc (Hưng Nguyên). Kết quả bước đầu khá tốt, hiệu lực trừ rầy đạt từ 60 - 75%. Gia đình anh Hoàng Ngọc Quỳnh – Xóm 9 xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên) có 15 sào lúa. Từ năm 2012, gia đình anh Quỳnh đã sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc từ chế phẩm nấm Lục Cương để phun trừ các loại rầy hại lúa. Anh Quỳnh chia sẻ: “Năm 2012 ruộng lúa của chúng tôi bị rầy nâu, chúng tôi đã sử dụng chế phẩm nấm Lục Cương để phun phòng. Hiệu quả rất tốt, không độc hại, đến năm 2013, ruộng xung quanh đây bị cháy rầy nhưng ruộng nhà tôi không bị. Năm nay bắt đầu có rầy xuất hiện, tôi cũng đang tiến hành phun chế phẩm này để phòng trừ”.

Không chỉ nghiên cứu, ứng dụng các loại nấm trong phòng trừ rầy nâu trên cây lúa mà Hội khoa học kỹ thuật (KHKT) Lâm nghiệp Nghệ An cũng đã thử nghiệm thành công chế phẩm sinh học phòng trừ sâu róm hại thông. Nghệ An hiện có khoảng 31 ngàn ha rừng thông phân bố trên địa bàn 10 huyện. Các rừng thông thường xuyên bị sâu róm thông phát sinh, phát triển và gây dịch không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, thiệt hại tài nguyên rừng mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, môi trường và cảnh quan. Thông là loài thực vật có thân cao, sâu róm thường trú ngụ và gây hại trên các tán lá, việc phun phòng khá khó khăn do các chất hóa học phải hòa tan vào nước rồi mới đem phun.

Phương pháp này buộc người đi phun phải đứng dưới tán rừng thông để phun thuốc lên cao, khả năng tiếp xúc của thuốc tới sâu hại rất thấp. Trong khi đó, người đi phun lại dễ bị những phần thuốc hóa học này rơi lên cơ thể, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nắm rõ được những nhược điểm đó trong công tác phòng trừ, Hội KHKT Lâm nghiệp Nghệ An đã khắc phục bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học Bôvêrin-Na ở dạng bột. Với chế phẩm sinh học dạng bột mịn này, trong thành phần chỉ chứa các bào tử nấm và nông phẩm nên hoàn toàn không ảnh hưởng tới người đi phun thuốc. Mặt khác, khi phun lên tán lá từ phía dưới, do các bào tử ở dạng bột rất nhẹ, dễ dàng được gió phát tán lên các tầng lá cao, tiếp xúc nhanh hơn với các loại sâu róm, nâng cao hiệu lực loại trừ sâu. 

Hiệu quả của chế phẩm Bô-Vê-Rin NA trên sâu róm hại thông.

Quy trình khá đơn giản với nguyên vật liệu, vật tư sản xuất sẵn có, rẻ tiền từ nông phẩm. Chế phẩm sinh học nấm Bôvêrin-Na đã được sử dụng để phòng trừ sâu róm thông tại các rừng thông ở huyện Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành. “Chúng tôi đã sử dụng chế phẩm Bôvêrin-Na để phun trừ sâu róm hại thông trong những năm gần đây, hiệu quả phòng trừ tốt.  Khi sâu róm vào nhộng bị  ký sinh thiên địch nhiều, đặc biệt là chu kỳ quay lại của sâu róm rất thấp, chu kỳ sau hầu như không thấy xuất hiện” - Ông Lê Đình Minh – Trưởng Ban Quản Lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn cho biết.

Sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu hại không còn là đề tài mới, tuy nhiên đây lại là một trong những hướng đi đảm bảo cho một nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển các chế phẩm sinh học này còn gặp nhiều khó khăn là chưa có cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, giảm các chế phẩm hóa học độc hại.

Để đưa những tiến bộ này vào ứng dụng trong sản xuất đại trà thì cần có sự vào cuộc của các đơn vị, các địa phương cũng như cần định hướng cho người dân hiểu rõ tác dụng của những chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường.

Vinh Thảo

Đài tỉnh