Viêm tai giữa (VTG) là hiện tượng niêm mạc tai giữa bị sung huyết và hóa mủ. VTG thường gặp ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và thường là biến chứng của bệnh viêm mũi họng. Như vậy, câu trả lời sẽ là VTG tăng là do bệnh viêm mũi họng tăng và việc phòng tránh VTG là hoàn toàn có thể nếu viêm mũi họng được điều trị sớm và đúng cách.

791687_small_92849.jpg

                              Hình ảnh cắt dọc liên quan giữa mũi họng và tai.

Vì sao bị viêm tai?

Tai giữa thông với mũi họng qua một ngách ở mặt trong của tai giữa mà người ta gọi là vòi tai. Ở trẻ, lỗ vòi mở ra vùng họng mũi (nơi có tổ chức V.A) rộng đồng thời vòi tai lại ngắn nên việc viêm nhiễm đi từ mũi họng lên tai rất dễ xảy ra. VTG cũng được xếp là viêm nhiễm đường hô hấp trên do có chung một hệ thống niêm mạc, đó là biểu mô trụ, có lông chuyển và có các tuyến chế tiết.

Phòng bệnh bằng cách nào?

Cần điều trị sớm viêm nhiễm tại mũi họng bằng cách phát hiện sớm: khi mũi bị viêm, dịch mũi sẽ chảy theo hai đường: ra cửa mũi sau và xuống thẳng họng (loại chảy mũi này thường ít được phát hiện và hay gây biến chứng viêm họng, viêm thanh khí phế quản do bố mẹ không nhìn thấy nên trẻ không được điều trị sớm). Loại chảy thứ hai ra cửa mũi trước, loại chảy mũi này dễ phát hiện, do đó ít khả năng gây biến chứng. Tuy nhiên, loại này lại dễ gây VTG nếu không điều trị mũi đúng cách. Nếu thấy trẻ thở to hơn bình thường trong khi ngủ, đôi khi lại phải há mồm thở và sáng ngủ dậy hay ho húng hắng, những dấu hiệu đó thể hiện là trẻ đang bị viêm mũi. Bạn nên cho trẻ đi khám bệnh và điều trị ngay trong giai đoạn này.

Việc điều trị viêm mũi tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện được đúng. Hãy tưởng tượng hốc mũi như một dòng suối, thông với các hang động là tai giữa và các xoang (tùy theo tuổi). Dịch mũi chứa đầy trong hốc mũi kèm với hiện tượng sung huyết của niêm mạc hốc mũi và các cuốn mũi.

Không nên lạm dụng bơm rửa mũi trẻ bằng dung dịch muối biển rồi bắt trẻ xì mũi, động tác này làm cho dịch trong hốc mũi sẽ đi theo ba đường: một phần dịch ra ngoài mũi, một phần dịch bị đẩy vào lòng các xoang kế cận (nếu có) và một phần dịch bị đẩy vào tai giữa và đây là một trong những nguyên nhân gây VTG ở trẻ. Thường xuyên bơm rửa và hút mũi cũng làm tổn thương lớp thảm nhày trên bề mặt của hệ thống niêm mạc mũi, lúc này, niêm mạc mũi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng trực tiếp với môi trường, do đó, dễ tổn thương hơn và gián tiếp tác động làm tăng khả năng bị VTG ở trẻ.

Cách nhỏ mũi không hợp lý cũng làm cho tác dụng của thuốc nhỏ mũi giảm tác dụng. Việc này làm cho quá trình viêm mũi của trẻ kéo dài – và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây VTG.

VTG có nguồn gốc từ viêm mũi họng xuất hiện khi có hiện tượng bít tắc lỗ vòi tai, từ đó hình thành áp lực âm trong tai giữa gây tăng tiết của niêm mạc tai giữa, đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, từ đó, quá trình VTG bắt đầu hình thành.

Việc điều trị viêm mũi họng không phải lúc nào cũng đơn giản, chính vì thế, nếu trẻ bị viêm mũi họng kéo dài hay điều trị trong một tuần mà viêm mũi họng càng ngày càng nặng thì sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên ngành tai mũi họng là thật sự cần thiết, phải tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc cũng như lời hướng dẫn của thầy thuốc, không tự động dừng thuốc khi chưa cho trẻ đi khám lại.

Theo SK- ĐS (MĐ)