Tối 4/11, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế Nghệ An tiếp tục có buổi họp khẩn cùng với Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, lãnh đạo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Sở Y tế cũng đã có buổi làm việc cùng bệnh viện, chỉ đạo những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi tại 2 khoa của bệnh viện xuất hiện các trường hợp F0 (được công bố vào ngày 1/11 và 4/11/2021).

Thực hiện chỉ đạo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế Nghệ An, trong ngày 4/11, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm sàng lọc cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế toàn viện. Đến tối 4/11, thì có thêm 2 trường hợp F0 nữa được phát hiện.

bna_image_220542_5112021.jpgBệnh viện HNĐK Nghệ An sắp xếp, bố trí lại khoa, phòng để chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Chung

Trường hợp F0 thứ nhất là bệnh nhân T.Đ.T, nam, 48 tuổi, hộ khẩu thường trú tại huyện Quỳnh Lưu. Bệnh nhân T.Đ.T vào Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực điều trị ngày 26/10. Ngày 1/11 bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính. Ngày 4/11 bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính.

Trường hợp F0 thứ hai là bệnh nhân T.Q.M, nam, 71 tuổi, hộ khẩu thường trú tại huyện Quế Phong. Bệnh nhân T.Q.M vào Khoa Nội tiết điều trị ngày 21/10. Ngày 1/11 bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính. Ngày 4/11 bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính.

Ngay sau khi phát hiện 2 trường hợp F0 mới, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã tiến hành khoanh vùng, phun khử khuẩn, giãn cách, truy vết F1, F2 và lấy mẫu xét nghiệm. Qua đó, Bệnh viện đã tạm xác định được 55 trường hợp F1 của 2 F0 này.

Tại cuộc họp khẩn, PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã yêu cầu Bệnh viện HNĐK Nghệ An thực hiện phong tỏa 8 khoa, trung tâm nằm từ tầng 4 đến tầng 7 của toàn nhà 7 tầng bệnh viện để phòng, chống dịch. Các khoa từ tầng 3 trở xuống, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng dịch.

Các khoa, trung tâm được phong tỏa bao gồm: Khoa Nội tiết, Nội cơ xương khớp, Y học cổ truyền, Nội tim mạch 2, Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, Thần kinh, Phục hồi chức năng và một bộ phận của Trung tâm đột quỵ…Thời gian phong tỏa là 7 ngày, nhằm triển khai triệt để các biện pháp phòng, chống dịch.

8 khoa, trung tâm của Bệnh viện HNĐK Nghệ An được yêu cầu phong tỏa trong vòng 7 ngày. Ảnh: Thành Chung

Từ ngày 5/11, Bệnh viện HNĐK Nghệ An chỉ được tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu vào điều trị. Bệnh viện phải bố trí 1 “khu vực sạch” để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu khi vào điều trị. Hoạt động khám ngoại trú vẫn diễn ra bình thường, nhưng phải đảm bảo nghiêm ngặt, đúng quy định về phòng dịch… 

Sở Y tế, Bệnh viện thực hiện thông báo về địa phương về các bệnh nhân được xuất viện. Các bệnh nhân từ Bệnh viện HNĐK Nghệ An khi về cần báo ngay với chính quyền địa phương; thực hiện theo dõi sức khỏe ở nhà trong vòng 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, thực hiện “3 tại chỗ”, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, đi lại và cần ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi công việc. Bệnh viện dừng ngay việc đi lại bằng thang máy và các hoạt động không thiết yếu trong bệnh viện.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh nêu rõ: Bệnh viện phải tạo mọi điều kiện tốt nhất, đảm bảo về ăn uống cho cán bộ, nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong khu vực phong tỏa; bố trí suất ăn, nước uống miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Nếu thiếu nhân lực phục vụ, bệnh viện đề xuất thêm các lực lượng khác hỗ trợ nhu yếu phẩm, suất ăn.

Dịp này, Sở Y tế quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng cho các bệnh nhân đến ngày ra viện nhưng chưa trở về nhà được vì nằm trong khu vực phong tỏa của bệnh viện./.